xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phi lợi nhuận bất thành... giáo dục!

An Nhiên

Không nên thành kiến về lợi nhuận trong giáo dục bởi đó là mục tiêu cần đạt đến. Vấn đề là sử dụng khoản lợi nhuận ấy vào mục đích nào

"Muốn kinh doanh nên tránh xa giáo dục" - bài viết của GS Trần Văn Thọ trên một tờ báo mới đây lập tức gây nhiều ý kiến trái chiều trong giới hoạt động giáo dục, nhất là khi hàng loạt trường đại học (ĐH) ngoài công lập liên tiếp xảy ra tranh chấp quyền lực. “Tôi không đồng tình với quan điểm này. Làm giáo dục là phải có lợi nhuận, phải hướng tới lợi nhuận. Vấn đề nằm ở chỗ: cần lợi nhuận ở mức nào và sử dụng khoản lợi nhuận đó ra sao cho hợp lý” - GS Phạm Phụ, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM, nêu ý kiến.

Tiền “đẻ” ra trường, trường “đẻ” ra tiền

Từ thực tiễn của khoảng 20 năm phát triển giáo dục ngoài công lập có thể khẳng định ngay rằng lợi nhuận chính là động cơ quan trọng để khối này ngày càng phát triển theo chiều ngang, song hành cùng nỗ lực nâng chất lượng đào tạo. Các cổ đông đã góp vốn vào giáo dục và nhiều người, nhiều đơn vị đã đạt được mục tiêu kép, đó là vừa có lãi vừa “trồng được người”. Thành quả “trồng người” giúp nâng uy tín của trường, tuyển sinh tốt hơn, nhờ đó thu hút thêm nhiều cổ đông khác, thế là lợi nhuận thêm tăng. Chu trình sinh lãi cứ thế mà quay vòng. Thấy vậy,  lại có thêm nhiều người bỏ tiền ra mở trường.

Sinh viên Trường ĐH Hùng Vương (TP HCM) tại lễ tốt nghiệp năm 2014 Ảnh: TẤN THẠNH
Sinh viên Trường ĐH Hùng Vương (TP HCM) tại lễ tốt nghiệp năm 2014 Ảnh: TẤN THẠNH

Đồng tiền luôn có hai mặt. Khi lợi nhuận nở nồi thì con người - theo bản năng - cũng nảy sinh ý định chiếm hữu. Để chiếm hữu nhiều, phải có quyền. Để có quyền, phải nhiều tiền, tức lượng cổ phần đóng góp phải lớn. Khi hai thế lực quyền - tiền vận hành song song thì mục tiêu cao đẹp “vì giáo dục” trở thành thứ cấp, nhường chỗ cho động cơ chính là tìm kiếm lợi ích.

Bối cảnh ấy nảy sinh xung đột giữa các cổ đông và ban điều hành. Một bên nhân danh “vì giáo dục” đấu với một bên “vì lợi ích”, dẫn tới sự đổ vỡ. Điều đó khó tránh và đang diễn ra tại nhiều trường ĐH tư thục.

Vậy, muốn làm giáo dục “trong sạch” mà vẫn có lãi (để duy trì hoạt động, tái đầu tư…) thì phải theo mô hình không có cổ đông, không có chủ sở hữu. Chủ sở hữu phải là cộng đồng, vốn được góp bởi các nguồn hiến tặng. Trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) đã đề xuất ý tưởng này và gọi đó là “phi lợi nhuận”.

“Phi lợi nhuận” hay “không vì lợi nhuận”?

Trong giai đoạn sơ khởi, những người xin thành lập Trường ĐH Hùng Vương (TP HCM), những người góp vốn ban đầu đều không nhận đồng lãi nào. Các trường ĐH khác như Thăng Long, Hoa Sen... cũng khẳng định từ đầu là không vì lợi nhuận. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, khi tạo được chỗ đứng và sinh lãi, xung đột lợi ích đã nảy sinh khiến dư luận định kiến rất xấu về HĐQT của các trường tư. Chính vì vậy mà xu hướng “phi lợi nhuận” được đề cao, đến mức thái quá nên đã khiến nhiều người hiểu sai bản chất của giáo dục “phi lợi nhuận”.

Luật Giáo dục ĐH có nêu: “Cơ sở giáo dục ĐH tư thục và cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục ĐH mà phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục ĐH; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ”.

Rõ là “không vì lợi nhuận” chứ chẳng phải làm giáo dục không công, mà chính là cách sử dụng phần lãi đó. Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cần nhìn nhận một trường ĐH dưới mô hình của một doanh nghiệp, tức là phải sinh ra lợi nhuận. Nhà trường không thể hoạt động thua lỗ bởi như thế thì lấy đâu ra chi phí, ngân sách để duy trì?

Là người tư vấn luật lâu năm tại Mỹ, TS Nguyễn Ngọc Hải, giảng viên Khoa Luật - Kinh tế Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng không nên thành kiến về lợi nhuận trong giáo dục bởi đó là mục tiêu cần đạt đến. Nếu lợi nhuận thu được vì mục tiêu cho giáo dục đúng nghĩa thì đó sẽ là sức mạnh vô biên đối với sự phát triển của một quốc gia.

Chẳng hạn tại Mỹ, theo TS Dương Tấn Diệp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính, hiện số trường ĐH phi lợi nhuận chiếm khoảng 37% trong tổng số hơn 4.500 trường ĐH, CĐ; trong đó có nhiều trường hàng đầu thế giới như Harvard, Stanford... Các trường này cũng không phải không có lãi, không thu học phí sinh viên, như Harvard tính học phí rất cao: 44.000 USD/năm. Vấn đề là sử dụng tài chính trong các hoạt động của nhà trường như thế nào, hiệu quả đến đâu để lợi ích không rơi vào tay một nhóm cá nhân hay tổ chức nào.

Theo ông Lê Công Cơ, Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), nếu để chia lãi, không tái đầu tư thì hoạt động theo mô hình lợi nhuận. Ngược lại, phần lợi nhuận sử dụng để tái đầu tư cho cơ sở vật chất, đội ngũ, nghiên cứu, người học… thì xem như hoạt động theo mô hình không vì lợi nhuận. Xã hội đang mong muốn mô hình hoạt động của các trường không vì lợi nhuận phải thực hiện như các trường ở những nước phát triển. Đó là mong muốn chính đáng và phù hợp với thế giới. Thế nhưng, điều kiện nước ta chưa phù hợp, cần có thời gian để thay đổi cả về vấn đề pháp lý lẫn về nhận thức của nhà đầu tư. 

 

Với ý tưởng “phi lợi nhuận” trong giáo dục ĐH vừa được đề xuất, chính xác hơn, nên gọi đó là “không vì lợi nhuận”!

 

Lợi nhuận là bình thường

img

Đầu tư giáo dục cần chú ý trước hết đến cái lợi về chất lượng, uy tín rồi hãy tính đến tiền thì mới bền vững. Ở tất cả các trường ĐH tư thục của Việt Nam, hầu hết người góp vốn vừa là người quản lý giáo dục chứ ít thấy khối doanh nghiệp. Chuyển đổi từ mô hình lợi nhuận sang phi lợi nhuận thật sự rất khó. Nếu dùng từ phi lợi nhuận trá hình, giả nghĩa thì tội gì không dùng bởi một trường ra đời, vài chục năm mới có lãi nên gọi là phi lợi nhuận. Do vậy, không nhất thiết phải là trường phi lợi nhuận mới tốt. Đã có dư luận đề cao phi lợi nhuận là ưu việt, trong khi lợi nhuận trong giáo dục là điều rất bình thường.

TS Nguyễn Thị Anh Đào (Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á, Đà Nẵng)

Cần niềm tin vào giáo dục

img

Không thể nói Việt Nam không có trường ĐH phi lợi nhuận. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư ĐH phi lợi nhuận theo mô hình Mỹ, đó là Trường ĐH Fulbright Việt Nam. Các nhà hảo tâm và thiện nguyện ở Mỹ đóng góp cho trường này sẽ được miễn thuế. Văn hóa hiến tặng của người Việt không thiếu nhưng quan trọng nhất là lòng tin vào giáo dục nước ta rất kém. Các nhà thiện nguyện chỉ muốn hỗ trợ trực tiếp cho học sinh, không qua trường hay trung gian.

TS Trần Vinh Dự (Tổng Giám đốc TNK Capital, Chủ tịch HĐQT Trường CĐ Việt Mỹ)

Hiệu trưởng phải có thực quyền

img

Từng làm hiệu trưởng nhiều trường ĐH ngoài công lập, tôi đã đề nghị đầu tư nhiều về cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng của trường nhưng không được đáp ứng. Tôi buộc phải ra đi bởi không thể đứng ra đối đầu HĐQT. Hiệu trưởng là người phải chịu trách nhiệm trước dư luận, trước Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng đến cây kim, sợi chỉ cũng phải đi xin. Ba trường ĐH ngoài công lập đang lùm xùm nội bộ hiện nay đều do ban giám hiệu bị HĐQT ngăn trở, không thực hiện được ý đồ đặt ra.

GS-TS Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ)

Phải sửa luật

img

Lỗi trước tiên dẫn đến xung đột lợi ích tràn lan trong các trường ĐH tư hiện nay là do thiếu sót về khung pháp lý. Ở các nước, nhà đầu tư không trực tiếp đầu tư vào trường mà gián tiếp thông qua một quỹ tín thác (Trust Fund). Quỹ nào bảo đảm điều kiện hoạt động vật chất cho nhà trường, đóng vai trò trung gian giữa nhà đầu tư và trường, tạo bức tường ngăn các nhà đầu tư vươn tay, chi phối hoạt động của trường. Trường chỉ việc hoạt động sao cho đạt chất lượng tốt nhất, không phải lo về tiền. Việt Nam phải sửa luật, nếu không thì giải pháp nào cũng không thể có được giáo dục phi lợi nhuận đúng nghĩa.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP HCM)

Tôn vinh văn hóa hiến tặng

img

Dù loại hình nào, vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận thì nhà nước cần có chính sách rõ ràng và đầy đủ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm góp vốn để ngày càng mở rộng cả 2 loại hình này như chính sách miễn thuế, tôn vinh đối với những nhà đầu tư hay mạnh thường quân hiến tặng của cải, vật chất xây dựng trường; có chính sách giao đất và miễn thuế đối với các trường hoạt động phi lợi nhuận.

NGƯT Lê Công Cơ (Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân)

Yên Nhan ghi

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo