Ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết đã hoàn tất việc chấm thi và ghép phách. Hiện tại, hội đồng chấm thi đang rà lại phách lần cuối và tiến hành lên điểm. Cụm thi của trường chưa thấy xuất hiện điểm 10 nào ở các môn tự luận, điểm các môn trắc nghiệm đã có kết quả nhưng chưa có thống kê. Ngày 18-7, trường sẽ hoàn tất việc lên điểm, sau đó gửi báo cáo kết quả điểm thi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
Phổ điểm tập trung từ 6-8
Theo PGS Nguyễn Cảnh Thái, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, cụm thi do trường chủ trì có điểm 10 ở các môn lý, hóa, địa nhưng số lượng không nhiều. Điểm cao nhất ở môn toán là 9,5; văn là 8,75; sử là 9,5; sinh là 9,8. Tiếng Anh có thí sinh đạt 8/8 ở bài thi trắc nghiệm và bài thi tự luận cũng có thí sinh đạt 2/2.
Theo ông Thái, phổ điểm đẹp nhất ở cụm thi này thuộc về môn lý với tập trung 6-8 điểm, trong đó điểm 7 chiếm nhiều nhất. Môn hóa đa số tập trung ngưỡng 5-7 điểm, trong đó điểm 6 chiếm nhiều nhất. Phần thi trắc nghiệm môn tiếng Anh tập trung nhiều ở ngưỡng 2,5-3 điểm (trên tổng 8 điểm), có 6 bài thi bị 1 điểm. Nói thêm về việc không xuất hiện điểm 10 môn toán, ông Thái cho rằng do câu cuối của đề thi rất khó, mang tính phân loại cao nên chỉ những học sinh thực sự giỏi mới có thể làm được.
PGS Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, đơn vị chủ trì cụm thi tỉnh An Giang - cho biết trong số hơn 13.000 thí sinh, cụm chỉ có duy nhất một thí sinh đạt điểm 10 ở môn lịch sử, các môn còn lại không có điểm 10 nào. Ở cụm thi này, điểm cao nhất môn toán là 9,75; văn 9,5; vật lý 9,6; sinh 9,8 và địa 9,5.
Tương tự, cụm thi tỉnh Bình Phước do Trường ĐH Kinh tế TP HCM chủ trì cũng chỉ có 1 điểm 10 môn vật lý, các môn còn lại không có điểm 10. Nhiều cụm thi phía Nam khác cũng chung cảnh thiếu vắng điểm 10, điểm cao nhất của cụm thi Trường ĐH Kinh tế - Luật TP HCM là môn vật lý với 9,8 điểm và 9,75 điểm ở hai môn văn và toán.
Phải công bố ngưỡng xét tuyển
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT - cho biết bắt đầu từ ngày 1-8, các trường ĐH sẽ nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng (NV) 1 của thí sinh.
Năm nay, việc công bố điểm thi, xét tuyển NV1 của thí sinh có nhiều thay đổi. Cụ thể, sau khi các cụm thi chấm điểm xong, dữ liệu sẽ được đưa về Bộ GD-ĐT và chạy đối sánh giữa cơ sở dữ liệu gốc tại trường và cơ sở dữ liệu nộp lên bộ. Chỉ khi nào kết quả dữ liệu khớp thì các cụm mới được công bố điểm thi cho thí sinh. “Khác với năm 2015, năm nay, 120 cụm thi sẽ công bố điểm thi. Không nhất thiết các trường, các sở phải công bố điểm thi trong cùng một ngày nhưng bộ sẽ có quy định công bố từ ngày nào đến ngày nào” - ông Trinh nói.
Cũng theo Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, điểm mới trong công tác xét tuyển NV1 của các trường ĐH năm nay là thời gian xét tuyển NV1 chỉ kéo dài 12 ngày. Thí sinh có thể đăng ký bằng nhiều phương thức như trực tuyến, qua bưu điện và qua một số phương thức khác do các trường ĐH quy định. “Năm nay, trước khi tiếp nhận đăng ký của thí sinh, các trường phải công bố ngưỡng nhận hồ sơ sau khi Bộ GĐ-ĐT công bố ngưỡng chất lượng tối thiểu. Điểm này khác với năm trước để tránh tình trạng thí sinh điểm thấp vẫn nộp hồ sơ vào các trường tốp cao” - ông Trinh thông tin.
Dự kiến điểm chuẩn vào ĐH Đà Nẵng không đổi
GS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho biết năm nay, điểm 10 hiếm nhưng phổ điểm không thấp, phần lớn các bài thi đều từ 5 điểm trở lên. Môn vật lý tại cụm thi Đà Nẵng có 83% bài thi từ 5 điểm trở lên, môn hóa học là 73%, môn sinh cũng trên 50%.
Với phổ điểm này, dự kiến điểm chuẩn của các trường thuộc ĐH Đà Nẵng năm nay sẽ không thay đổi so với năm ngoái. Theo đó, điểm chuẩn năm 2015 vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng có điểm chuẩn cao nhất là 24 với ngành công nghệ thông tin và kỹ thuật cơ điện tử; Trường ĐH Kinh tế có Khoa Kinh doanh quốc tế lấy điểm chuẩn cao nhất là 23,75; Trường ĐH Sư phạm có điểm chuẩn cao nhất là khoa sư phạm toán học (khối A, A1) với 24,25 điểm.
Bình luận (0)