Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 là kỳ thi đầu tiên được thực hiện sau khi Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung có hiệu lực. Kỳ thi vẫn giữ 3 mục tiêu chính như các kỳ thi THPT quốc gia trước đây là đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình THPT, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và để làm cơ sở cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố phổ điểm của kỳ thi và những phân tích đánh giá ban đầu cho thấy kỳ thi đã đạt các mục đích đã đặt ra.
Điểm trung bình tăng mạnh
Do tình hình dịch Covid-19, học sinh (HS) đã phải nghỉ học thời gian dài, nội dung chương trình được giảm tải nên đúng như dự đoán, điểm trung bình (ĐTB) các môn thi đã tăng mạnh so với những năm trước, kể cả so với năm 2017 là năm đề thi được đánh giá dễ nhất vì nội dung đề thi chỉ nằm trong chương trình lớp 12.
Chỉ còn duy nhất môn ngoại ngữ có ĐTB dưới 5. Kết quả xếp hạng điểm thi môn ngoại ngữ theo từng địa phương cho thấy các thành phố lớn - nơi có điều kiện dạy và học ngoại ngữ tốt hơn, có ĐTB môn ngoại ngữ cao hơn hẳn. Số HS có chứng chỉ ngoại ngữ để được miễn thi tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM.
Tư vấn tuyển sinh cho các thí sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân vào sáng 28-8 sau khi có kết quả thi tốt nghiệp. Ảnh TẤN THẠNH
Nếu phân tích chi tiết hơn sẽ thấy trong các môn thi của bài thi khoa học tự nhiên (các thí sinh dùng kết quả xét tuyển sinh chọn nhiều hơn), phổ điểm môn lý và hóa lệch hẳn về bên phải, trong khi đỉnh phổ điểm môn sinh vẫn ở vị trí trung dung. Điều này đã diễn ra liên tục từ năm 2017 khi đề thi được tổ hợp thành bài thi chứ không còn theo môn thi riêng lẻ. Đồng thời, cần có những nghiên cứu thấu đáo để đánh giá rằng HS tập trung ôn luyện học lệch cho các môn thi dùng để xét tuyển sinh hay nội dung học và giảng dạy môn sinh chưa phù hợp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã công bố đối sánh ĐTB thi tốt nghiệp THPT và ĐTB học bạ của HS ở từng địa phương. Điều hiển nhiên là chẳng có địa phương nào có ĐTB thi tốt nghiệp cao hơn ĐTB học bạ lớp 12, nhưng dẫu sao cũng cho thấy sự tương thích và tuyến tính giữa 2 ĐTB này. Mức chênh lệch này còn có thể chấp nhận được nhưng nếu phân tích ở cấp độ từng trường THPT có thể sẽ thấy được sự chênh lệch lớn hơn ở một số trường.
Làm cơ sở xét tuyển sinh ĐH, CĐ
Điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 vẫn là phương thức xét tuyển được hầu hết các trường ĐH sử dụng và có đến hơn 71% HS dự thi chọn lựa để đăng ký. Mức độ phân hóa điểm ở các môn thi khá tốt, kể cả ở phân khúc điểm cao. Với đối sánh kết quả điểm thi tốt nghiệp và ĐTB học bạ, kết quả thi tốt nghiệp tiếp tục sẽ là cơ sở tin cậy cho các trường ĐH xét tuyển sinh trong những năm tới.
Các tổ hợp môn theo các khối thi truyền thống D01, A00, A01, B00, C00 vẫn là những tổ hợp môn xét tuyển có đông thí sinh sử dụng nhất (gần 90%) khi đăng ký xét tuyển. ĐTB tổ hợp các môn xét tuyển tăng rất cao so với những năm trước, kể cả năm 2017 là năm có đề thi dễ nhất.
ĐTB tổ hợp các môn xét tuyển tăng cao, cộng hưởng với việc nhiều trường điều chỉnh chỉ tiêu chuyển sang các phương thức xét tuyển khác nên dự kiến điểm chuẩn trúng tuyển của nhiều ngành của các trường thu hút đông thí sinh đăng ký xét tuyển sẽ tăng cao, có thể tăng ở mức 2 - 4 điểm so với năm 2019. Điều này dẫn đến hậu quả có thể một số thí sinh tuy điểm cao nhưng nếu không chọn và sắp xếp thứ tự các nguyện vọng xét tuyển hợp lý thì vẫn rớt tất cả nguyện vọng đã đăng ký.
Điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học từ ngày 19-9
Ngày 28-8, Bộ GD-ĐT đã có văn bản điều chỉnh lịch triển khai công tác tuyển sinh. Theo đó, thời gian thí sinh bắt đầu được điều chỉnh nguyện vọng sẽ thực hiện sau khi các Sở GD-ĐT xét công nhận tốt nghiệp sơ bộ đợt 2, trong đó thời gian cho điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến là 7 ngày (từ ngày 19 đến 25-9) và điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu là 9 ngày (từ ngày 19 đến 27-9).Việc tổ chức điều chỉnh nguyện vọng chung cho cả 2 đợt thi sẽ cho phép thí sinh đợt 2 được cùng tham gia điều chỉnh nguyện vọng cùng với thí sinh thi đợt 1.
Y.Anh
Điểm xét tốt nghiệp cũng sẽ tăng
Do ĐTB các môn thi tăng nhiều và ĐTB năm lớp 12 vẫn được cho khá rộng rãi nên điểm xét tốt nghiệp của tất cả HS cũng được tăng. Tổng số điểm liệt ở các môn năm 2020 là 1.262, giảm mạnh so với năm 2019 (3 .117). Số điểm liệt giảm mạnh nhất ở môn văn (môn tự luận duy nhất), từ 1.265 (2019) chỉ còn 119 và ngoại ngữ chiếm gần phân nửa số điểm liệt 2020 với 543 điểm liệt. Bên cạnh đó, với đề thi tương đối dễ, "mưa điểm 10" vẫn là một hiện tượng của năm 2020. Nếu như năm 2017 có 4.153 điểm 10 (gấp gần 10 lần tổng số điểm 10 của 2 năm thi THPT quốc gia trước đó) thì năm 2020 số điểm 10 đã vượt lên 5.182, trong đó riêng môn giáo dục công dân chiếm hơn 70% tổng số (4.163 điểm 10).
Bình luận (0)