Học kỳ I đã kết thúc tại các trường THPT, học sinh (HS) khối 12 đang chuẩn bị ký tên vào bản đăng ký lựa chọn trường học với ngành học khởi đầu cho công việc trong tương lai, được ví như “đăng ký kết hôn với nghề nghiệp”. Tuy nhiên, công tác hướng nghiệp vẫn chưa giúp được nhiều cho HS trong việc chọn ngành nghề.
Chưa có động cơ học tập tích cực
Theo kết quả khảo sát bảng hỏi và phỏng vấn sâu HS Trường THPT Thủ Đức và trợ lý thanh niên một số trường THPT lân cận, các nguyên nhân tạo nên áp lực đối với HS là do chương trình học trong trường học còn nặng lý thuyết, nhàm chán, áp đặt, rườm rà nhất là định nghĩa; thấy thương ba mẹ vì phải lao động vất vả để nuôi con đi học; phải đi học thêm quá nhiều, chủ yếu do kỳ vọng của ba mẹ, gia đình vượt quá khả năng của các em; phải học để thi đậu vào trường dự định chọn lựa… Có quá nhiều lý do để các em phải học, học ở trường chính khóa, học tăng tiết, học thêm miệt mài không có ngày nghỉ.
Hiện HS có nhiều điều kiện tiếp cận được đầy đủ thông tin hướng nghiệp trước khi đăng ký, lựa chọn ngành học và trường học sau bậc học phổ thông. Tuy nhiên, công tác hướng nghiệp tại trường THPT chưa đạt hiệu quả cao và chưa thực sự phân luồng được HS sau bậc học phổ thông. Sở dĩ như vậy là do một bộ phận không nhỏ HS chưa xác định được khả năng lợi thế của bản thân, chưa khám phá được đam mê, sở thích đối với một ngành học hay một nghề nghiệp cụ thể, chưa tự đánh giá đúng năng lực học tập. Các em chỉ đang dừng lại ở việc tập trung học tập thật tốt mà chưa tạo cho mình động cơ học tập tích cực và còn quá phụ thuộc, ỷ lại vào định hướng của gia đình hoặc chịu sự áp đặt của gia đình khi lựa chọn nghề nghiệp.
Một thực tế đáng buồn là nhiều học sinh càng học giỏi, học khá lại càng chịu nhiều áp lực trước kỳ thi vì sự kỳ vọng, niềm tin quá lớn của gia đình và bản thân các em khi lựa chọn ngành học tại những trường ĐH có điểm chuẩn cao. Nhưng con số này không nhiều bằng những học sinh có lực học trung bình khá - nhóm học sinh lựa chọn những ngành học, trường học được cho là an toàn như các khoa tài chính, kinh tế, quản trị kinh doanh, kỹ thuật,… chủ yếu chọn theo phong trào cùng bạn bè và nghĩ rằng đây là những ngành học xong có thể làm được nhiều công việc khác nhau. Bên cạnh đó, còn một số lượng HS không có khả năng học tập ở bậc ĐH - CĐ nhưng vẫn chọn thi ĐH, chứ nhất định không định hướng học nghề sau bậc học phổ thông.
Đội ngũ hướng nghiệp thiếu và yếu
Nhận thức về vai trò quan trọng của giáo dục hướng nghiệp đã được nhiều lực lượng chú ý nhưng nhận thức của các cấp quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh và HS chưa đúng, đủ tầm với yêu cầu của công tác này; đội ngũ giáo viên hướng nghiệp còn thiếu và yếu so với nhu cầu; việc hoàn thiện chính sách, nội dung, chương trình, cơ sở vật chất của hoạt động này chưa đổi mới, chưa đáp ứng được thực tế.
Để giúp công tác hướng nghiệp thiết thực hơn, ban giám hiệu nhà trường cần cân nhắc trong việc lựa chọn điểm đến cho HS tham quan và mời các trường ĐH-CĐ-TCCN, lãnh đạo các doanh nghiệp tham dự ngày hội hướng nghiệp, bảo đảm đầy đủ và mang tính đại diện các nhóm trường về ngành nghề đào tạo; xu hướng việc làm của thị trường lao động…
Bên cạnh đó nhà trường cần quan tâm hơn đến việc định hướng lựa chọn nhóm môn học ngay từ nguồn đầu vào tuyển sinh lớp 10; thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến nội dung hướng nghiệp phù hợp với học sinh 3 khối lớp, hình thành các kỹ năng tự hướng nghiệp cho HS và hướng dẫn các em tự hướng nghiệp cho chính mình: hướng dẫn quy trình tự hướng nghiệp, các kỹ năng chẩn đoán xu hướng, khí chất, tính cách, năng lực nghề của HS; hướng dẫn HS thu thập và xử lý thông tin về yêu cầu của nghề, về thị trường lao động...
Ngoài ra, đội ngũ làm công tác tư vấn hướng nghiệp phải là những thầy cô giáo có kinh nghiệm, các bậc cha mẹ có uy tín làm việc trong các lĩnh vực ngành nghề khác nhau, được đào tạo, tập huấn bài bản, có kiến thức về thế giới nghề nghiệp, có khả năng giao tiếp tốt với phụ huynh cũng như HS.
Thay vì chỉ tập trung vào dạy một số kỹ năng nghề cơ bản, hiểu biết một vài nghề các em hứng thú, nhà trường nên xem giáo dục hướng nghiệp như là một phần của giáo dục kỹ năng sống bằng cách mở rộng hiểu biết thế giới nghề nghiệp, cung cấp cập nhật các thông tin về nghề nghiệp, tạo điều kiện cho HS chiếm lĩnh các tri thức về nhiều nghề hiện có trong xã hội hay nghề đặc thù của từng khu vực, địa bàn… Từ đó, HS hứng thú với kiến thức về nghề mà mình biết, giúp các em lựa chọn nghề phù hợp hơn với bản thân và yêu cầu của nghề.
Tiếp sức hướng nghiệp cho giáo viên
Để khởi động cho chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” lần thứ 15-2016, Báo Người Lao Động phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM và Trường ĐH Hoa Sen tổ chức hội thảo “Tiếp sức hướng nghiệp 2016” cho hơn 150 giáo viên THPT vào 8 giờ ngày 10-1 tại Trường ĐH Hoa Sen.
Chương trình quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong công tác tư vấn - hướng nghiệp tại TP HCM cùng các chuyên gia về dự báo nhu cầu nhân lực, tâm lý hướng nghiệp và đội ngũ những người thực hiện công tác hướng nghiệp tại các trường THPT tại TP HCM. Hội thảo sẽ trao đổi kinh nghiệm thực tế trong công tác hướng nghiệp, chia sẻ nghiên cứu khoa học về thực trạng hướng nghiệp trong trường THPT, xu hướng chọn ngành nghề của học sinh tại TP HCM, những tri thức và kỹ năng cơ bản của những người làm tư vấn hướng nghiệp… Đồng thời hội thảo cũng nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia 2015 để đánh giá sự ảnh hưởng của kỳ thi với công tác hướng nghiệp và tư vấn tuyển sinh trong năm 2016. Chương trình sẽ được tường thuật trực tuyến trên Báo Người Lao Động online từ 8 giờ ngày 10-1.
Tiếp đến, ngày 17-1, Báo Người Lao Động phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bình Dương và Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương tổ chức hội thảo “Tiếp sức hướng nghiệp 2016” cho giáo viên THPT tại tỉnh Bình Dương. Chương trình cũng được tường thuật trực tuyến trên Báo Người Lao Động online từ 8 giờ ngày 17-1. Mời bạn đọc đón theo dõi. G.Thùy
Bình luận (0)