Hải Phòng là địa phương đầu tiên vừa cho học sinh (HS) lớp 1 và lớp 2 dừng học trực tuyến vì không hiệu quả và gây khó khăn cho phụ huynh. Trong khi đó, tại TP HCM, một địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nhưng việc học trực tuyến cũng đang gặp nhiều khó khăn. Theo tìm hiểu của phóng viên, việc dạy và học trực tuyến tương đối ổn định và hiệu quả với bậc THPT và ngược lại với các bậc học còn lại.
Sáng, tối học cùng con
Đã gần một tuần kể từ khi HS TP HCM chuyển sang học trực tuyến theo lệnh ngừng đến trường để phòng chống dịch Covid-19, nhiều gia đình vẫn phải nhọc nhằn xoay xở để học cùng con.
Chị Mai Thanh, phụ huynh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Bình Thạnh), cho biết nhà chị có 2 bé đang học lớp 1 và lớp 5. Với bé lớp 5 thì ba mẹ không phải lo vì con đã chủ động, tự giác làm các bài tập cô giao, với những phần không hiểu thì nhờ ba mẹ nhắn lại cô để hỏi thêm. Nhưng với bé lớp 1, ngược lại rất khó khăn. Lý do là độ tuổi còn nhỏ, bé chưa thể tập trung, muốn làm hay học gì cũng phải có người lớn bên cạnh hỗ trợ, nên thời gian con học trực tuyến thì hai vợ chồng thay phiên nhau nghỉ phép để học cùng con.
"Theo lịch, cứ 7 giờ 30 phút hằng ngày, cô giao bài. Nhưng bé còn nhỏ, có khi đến 10 giờ mới thức dậy. Có những hôm mà buổi chiều giáo viên (GV) kiểm tra bài tập thì trưa đó cả nhà cùng bò ra để học và làm cùng con" - chị Thanh cho biết.
Dù vậy, cũng theo chị Thanh, hình thức GV giao bài tập, HS làm xong chụp lại và gửi cô tuy vẫn phải có phụ huynh hỗ trợ nhưng khá "dễ thở" cho HS và gia đình chủ động.
Trong khi đó, khảo sát ý kiến nhiều phụ huynh khi con học trực tuyến ở bậc tiểu học bằng hình thức tương tác trực tiếp, đa số câu trả lời chúng tôi nhận được là "quá tải".
Chị Yến Vy, có con học lớp 3 một trường tiểu học tại quận Phú Nhuận, cho biết con chị mỗi giờ học phải bật camera và học bài, thảo luận trực tiếp với GV và các bạn cùng lớp. "Tuy chỉ học 3 môn là toán, tiếng Việt và ngoại ngữ nhưng mỗi giờ học của con đều có phải có phụ huynh ngồi cạnh, vừa giúp con tập trung vừa hỗ trợ phần máy móc" - chị Vy nêu thực tế.
Giờ học trực tuyến của một học sinh lớp 2 ở TP HCM
Chỉ dạy một số môn chính
Dù TP HCM là địa phương có nhiều thuận lợi khi triển khai dạy và học trực tuyến nhưng theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, hình thức này vẫn gặp những khó khăn nhất định, nhất là HS nhỏ tuổi chưa thật sự phù hợp với việc học tập trực tuyến, đặc biệt là lớp 1, 2, 3 nếu không có sự hỗ trợ của phụ huynh. Việc duy trì nền nếp, kỷ cương khi học tập ở nhà đối với trẻ nhỏ cũng gặp nhiều vất vả.
Để giảm tải cho HS, nhiều trường chọn phương án chỉ dạy một số môn chính. Ông Nguyễn Văn An, Hiệu trưởng Trường THCS Tăng Bạt Hổ (quận 4), cho biết hiện nhà trường chỉ tổ chức dạy môn chính khóa; các môn như giáo dục kỹ năng sống, tiếng Anh với người nước ngoài tạm thời chưa dạy.
Còn theo ông Từ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3), trường tổ chức dạy theo quy định của Sở GD-ĐT TP HCM, nghĩa là lớp 1, 2, 3 chỉ dạy trực tuyến 3 môn là toán, tiếng Việt và ngoại ngữ. Cách dạy của trường là GV quay video bài giảng gửi cho HS, các em xem, làm bài tập, gửi lại cho GV.
Ông Tuấn cho rằng ở độ tuổi tiểu học, HS còn nhỏ, rất khó tập trung ngồi một chỗ nếu không có phụ huynh kèm. Vì vậy, nếu dạy theo hình thức tương tác trực tiếp sẽ không hiệu quả và gây khó cho phụ huynh.
Ông Vũ Hoàng Sơn, GV Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh), cho biết dù là năm thứ 2 triển khai dạy trực tuyến nhưng hình thức dạy trực tuyến vẫn còn khá mới mẻ đối với một số thầy cô và HS. Theo ông Sơn, dạy học trực tuyến phụ thuộc nhiều yếu tố như đường truyền internet, phần mềm hỗ trợ, cả thái độ của HS... Vì vậy, khi GV đã lựa chọn phương án dạy học trực tuyến thì nên lưu ý các vấn đề như: tìm hiểu kỹ các tính năng của phần mềm đang sử dụng để có thể khắc phục các sự cố không mong muốn xảy ra trong quá trình giảng dạy. Đề ra những quy định đối với HS khi tham gia lớp học và yêu cầu HS nghiêm túc thực hiện, nếu vi phạm sẽ mời ra khỏi lớp, báo cáo với ban giám hiệu nhà trường để có hình thức xử lý.
"Phụ huynh cũng cần phối hợp với nhà trường, GV trong quá trình diễn ra các lớp học trực tuyến và chủ động dạy con về vấn đề an ninh mạng, văn hóa ứng xử, giao tiếp… để các em có ý thức hơn khi tham gia lớp học… Có như vậy mới bớt gây quá tải cho cả thầy và trò" - ông Sơn nói.
Tổ chức dạy học không gây khó cho phụ huynh
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cho biết sở đã ban hành hướng dẫn dạy và học trực tuyến sau Tết, trong đó quy định hiệu trưởng chỉ đạo GV xây dựng kế hoạch dạy học trên internet cho HS bằng nhiều giải pháp khác nhau và tổ chức vào khung thời gian không gây khó khăn cho phụ huynh.
Trước đó, theo quy định của sở này, việc dạy học trực tuyến sẽ tập trung cho các môn học theo khối lớp. Cụ thể, đối với khối lớp 1, 2, 3 là các môn toán, tiếng Việt, ngoại ngữ; khối lớp 4, 5 tập trung vào môn toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, khoa học, lịch sử và địa lý.
Đối với những trường có điều kiện, khuyến khích GV các môn khác cùng tham gia thực hiện dạy học trực tuyến. Với những địa phương và các khối lớp còn khó khăn, GV có thể xây dựng, thiết kế các hoạt động và hệ thống bài tập qua tin nhắn, thư điện tử, các phương tiện khác... hoặc in sao trên giấy và gửi cho phụ huynh HS.
Bình luận (0)