Cụ thể: Renesas cần 200 người, Esilicon 100 người, Applied Micro 100 người/năm… Tính ra mỗi năm, các công ty này cần tìm khoảng 1.000 kỹ sư thiết kế vi mạch.
Hiện nay, việc đào tạo nhân lực ngành vi mạch chỉ tập trung tại Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc ĐHQG TP HCM. Mới đây, 21 học viên phần lớn đã tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ, là giảng viên ĐH ngành điện - điện tử, điện tử - viễn thông vừa trúng tuyển khóa đào tạo thiết kế vi mạch tương tự (Analog+1) sau khi trải qua kỳ thi kiểm tra kiến thức rất nghiêm ngặt.
Khóa đào tạo đầu tiên này đã được khai giảng vào ngày 27-12 vừa qua, nằm trong chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của TP HCM giai đoạn 2013-2020. Chương trình đào tạo được Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM hỗ trợ 50%, học viên chỉ đóng học phí 50%.
Theo ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC, thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình Phát triển vi mạch TP HCM - kinh phí đào tạo nhân lực cho ngành vi mạch rất cao vì lệ thuộc cơ sở hạ tầng đào tạo: phần mềm thiết kế trị giá hàng triệu USD. TP HCM đã đầu tư ngôi nhà thiết kế để dùng chung phục vụ đào tạo và thương mại. Tuy nhiên, TP vẫn tính vào chi phí đào tạo để thu hồi vốn và tính hiệu quả của nó. Do đó, việc TP đầu tư kinh phí cho đào tạo nguồn nhân lực vi mạch là một nỗ lực lớn với quyết tâm đào tạo những hạt giống đầu tiên cho lĩnh vực quan trọng này, từ đó nhân rộng ra các địa phương, đóng góp vào nền công nghiệp vi mạch còn non trẻ.
Theo tính toán của ICDREC, mỗi năm, trung tâm đào tạo khoảng 105 người cho lĩnh vực vi mạch, trong đó chọn ra 5 người để tiếp tục đào tạo các kỹ năng mềm phục vụ công tác quản lý. Từ năm 2013-2020, ICDREC dự kiến đào tạo khoảng 700 kỹ sư thiết kế vi mạch và 35 cán bộ quản lý.
TP Đà Nẵng cũng vừa liên kết với TP HCM để đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch với mục tiêu đến năm 2020 sẽ đào tạo 300 kỹ sư thiết kế vi mạch. Tính chung, TP HCM và Đà Nẵng từ nay đến năm 2020 sẽ đào tạo khoảng 1.000 kỹ sư thiết kế vi mạch.
Theo ông Ngô Đức Hoàng, để giải bài toán nguồn nhân lực vi mạch đang thiếu hụt trầm trọng, cần phải có hàng trăm trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch. Từ đó mới có thể nhân rộng mô hình này để đáp ứng kịp thời nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch.
Bình luận (0)