Chiều 31-7, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 với 63 tỉnh, thành về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
Vì an toàn cho học sinh
Tại cuộc họp, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết hiện Đà Nẵng đã có giáo viên, học sinh bị nhiễm SARS-CoV-2 hoặc tiếp xúc gần với người mắc Covid-19. TP đã chuẩn bị phương án sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 như kế hoạch (dự kiến vào ngày 9 và 10-8) nhưng tâm lý của phụ huynh, thí sinh lo lắng. Trước tình hình phức tạp, không lường trước điều gì xảy ra, Đà Nẵng kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét, báo cáo Chính phủ cho dừng thi đối với thí sinh (TS) tại TP Đà Nẵng và xét đặc cách tốt nghiệp đối với TS. Những thí sinh có nguyện vọng xét tuyển ĐH, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường ĐH có phương án phù hợp, tạo điều kiện cho TS Đà Nẵng được xét tuyển.
Ông Chinh nói rằng đây là điều rất khó khăn đối với lãnh đạo TP nhưng vì sự an toàn tính mạng và sức khỏe của học sinh nên phải đưa ra đề xuất này.
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, báo cáo tỉnh này đưa ra 3 phương án cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phương án 1, tiếp tục chuẩn bị mọi mặt và theo dõi tình hình dịch bệnh, đến ngày 7-8, nếu tình hình dịch bệnh không bùng phát, kiểm soát cơ bản, Quảng Nam vẫn tổ chức thi như phương án của các địa phương khác. Phương án 2, cho phép tỉnh Quảng Nam lùi thời điểm thi sau 1 tháng, nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát. Phương án 3, đề xuất Bộ GD-ĐT cân nhắc cho TS Quảng Nam không thi giống như đề xuất của Đà Nẵng, xét đặc cách tốt nghiệp cho tất cả TS.
Về đề xuất của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết sẽ chờ văn bản đề nghị chính thức để xin ý kiến Chính phủ về việc miễn thi, xét đặc cách cho TS ở những nơi này.
Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành vào sáng 31-7 Ảnh: Quỳnh Trang
Băn khoăn về phòng thi, chấm thi
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho rằng Hà Nội sẵn sàng cho việc tổ chức thi. Tại mỗi điểm thi, theo đề xuất của Sở GD-ĐT, sẽ bố trí 2 phòng thi dự phòng và một điểm thi nằm trong khu vực cách ly thuận lợi để tổ chức thi cho những TS diện F1. Tại điểm thi cách ly này sẽ có ít nhất 5 phòng thi theo quy định giãn cách xã hội, được trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật và trang thiết bị phòng chống dịch Covid-19 theo quy định; có biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho các thành viên của điểm thi.
Cũng theo ông Quý, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc bảo đảm phòng chống dịch cho TS phải được đặt lên hàng đầu. Do vậy, trong trường hợp vẫn tổ chức kỳ thi, Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương để thực hiện tốt nhất.
Cũng có chung kiến nghị này, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, nói tại các điểm thi đều có phòng dự phòng, cách ly để tổ chức thi cho các TS thuộc diện F1. Thậm chí TP HCM lên phương án dự phòng cả điểm thi mới là trường THCS để phòng trường hợp số TS diện F1 quá lớn, có thể tách riêng điểm thi.
Tuy nhiên, ông Đức cũng bày tỏ băn khoăn TP HCM có số lượng bài thi rất lớn, cần khoảng 600 cán bộ chấm thi. Nếu chấm thi tập trung sẽ vi phạm quy định về tập trung đông người và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Vì thế, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể. Giải đáp băn khoăn này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho rằng có thể tách thành các tổ chấm thi để bảo đảm an toàn.
Sẽ có hướng dẫn cụ thể
Liên quan đến các điểm thi, ông Lê Hải Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, báo cáo tỉnh có 214 điểm thi. Nếu thực hiện giãn cách trong phòng thi để phòng chống dịch thì số phòng sẽ tăng lên 248 phòng. Việc thêm phòng thi sẽ phát sinh một số vấn đề liên quan đến sao in đề thi, bố trí cán bộ làm công tác thi. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT yêu cầu bố trí TS có biểu hiện ho, sốt phải thi riêng ở phòng thi dự phòng nhưng ho, sốt ở mức nào thì phải thi riêng và ai là người quyết định thì cần phải có hướng dẫn cụ thể.
Về việc này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nói thêm mỗi điểm thi phải bố trí ít nhất 2 phòng thi dự phòng cho những TS có biểu hiện ho, sốt. Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn riêng việc bố trí coi thi, bài thi niêm phong riêng hay chung. Ông Độ cũng đề nghị các địa phương xây dựng phương án phòng chống dịch kỹ càng, rà soát tất cả học sinh theo từng đối tượng, xem có phải thi điểm thi riêng không. Nếu có, địa phương phải báo cáo với Bộ GD-ĐT để xây dựng điểm thi riêng trên phần mềm.
Ông Mai Văn Trinh góp ý thêm với vùng nguy cơ cao cần thống nhất nhanh chóng việc đặt điểm thi mới, phối hợp ngay với Bộ GD-ĐT để bảo đảm kỹ thuật và phải có đề thi kèm theo.
Trước lo lắng của nhiều địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết đối với TS thuộc diện F1, F2, việc tổ chức thi riêng như phương án của Bộ GD-ĐT là cần thiết. Ngành y tế cũng sẽ huy động lực lượng y tế vào cuộc vì đây là đối tượng sàng lọc để tránh lây nhiễm trong cộng đồng. TS, cán bộ coi thi khi thi phải đeo khẩu trang và giảm số TS trong một phòng.
Bình luận (0)