Tình trạng đạo văn không chỉ dừng lại ở các luận văn của sinh viên, luận văn thạc sĩ mà còn lan tới cả bậc tiến sĩ. Ông Nguyễn Ngọc Thành, giảng viên bộ môn hàn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, vừa có đơn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tố một phó hiệu trưởng trường này “đạo” luận án phó tiến sĩ hồi năm 1996.
Sao chép lộ liễu
Theo đơn tố cáo, luận án phó tiến sĩ khoa học toán - lý của PGS-TS Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đã sao chép nhiều nội dung trong luận án phó tiến sĩ khoa học của PGS-TS Đặng Văn Khải, được bảo vệ trước đó 10 năm (1986).
Theo đánh giá, “phần hồn” trong luận án của PGS-TS Nguyễn Cảnh Lương có cải tiến được 2 bài so với luận án của PGS-TS Đặng Văn Khải. Còn lại, trong chương II và chương III luận án của PGS-TS Nguyễn Cảnh Lương chủ yếu phát triển thêm ý của PGS-TS Đặng Văn Khải. Ông Khải chính là 1 trong 2 người hướng dẫn luận án cho ông Lương.
Điều đáng nói là luận án của ông Lương không ghi nguồn trích dẫn. Ở phần đầu của luận án, ông Lương khẳng định: “Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả trong luận án là trung thực và chưa được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác”. Trong khi đó, tại vòng bảo vệ thử từ năm 1996, hội đồng khoa học đã nhắc nhở ông Lương phải nói rõ hơn về việc sử dụng tư liệu tham khảo của người khác.
Trước đó, ông Hoàng Xuân Quế - Phó Viện trưởng Viện Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế quốc dân - cũng bị tố là sao chép luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Mai Thanh Quế.
Bộ GD-ĐT đã thành lập hội đồng xác minh luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế và khẳng định: Luận án của ông Hoàng Xuân Quế có sao chép một phần từ luận án của ông Mai Thanh Quế. Các sao chép trong nội dung luận án của ông Hoàng Xuân Quế là không hợp pháp, vì: thứ nhất, các nội dung sao chép không có chú dẫn nguồn trích (trong luận án của ông Hoàng Xuân Quế, phần danh mục tài liệu tham khảo không có tên luận án ông Mai Thanh Quế); thứ hai, việc sao chép không đúng quy định (không có dấu ngoặc kép cho phần sao chép nguyên văn).
Theo thống kê, luận án của PGS-TS Hoàng Xuân Quế có 2.020 câu thì phát hiện 662 câu giống luận án của TS Mai Thanh Quế, chiếm tỉ lệ 33,66% dung lượng (theo số câu), trong đó có 375 câu giống hoàn toàn luận án của TS Mai Thanh Quế, chiếm 18,56% dung lượng. Theo quy chế đào tạo sau ĐH, nghiên cứu sinh cần trích dẫn đầy đủ tài liệu tham khảo. Tuy nhiên, luận án của Hoàng Xuân Quế chỉ có 7 trích dẫn, trong đó chương 1 là chương tổng hợp lý thuyết, thường trích dẫn nhiều nhất song không có trích dẫn tài liệu tham khảo nào.
Bộ GD-ĐT cho rằng mức độ sao chép là 52,5/159 trang của luận án (khoảng 30,02%). Với mức độ sao chép như vậy, luận án của ông Hoàng Xuân Quế không được coi là một công trình khoa học hoàn chỉnh và gần như không còn giá trị trong nghiên cứu khoa học và thực tiễn.
Sẽ công khai kết quả
Trước những vụ tố sao chép luận văn liên tiếp diễn ra, một lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định quan điểm của bộ là kiên quyết xử lý sai phạm đến cùng.
Ngày 11-10-2013, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã ký quyết định thu hồi bằng tiến sĩ đối với ông Hoàng Xuân Quế theo đề nghị của của ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT. Để chứng tỏ sự quyết tâm của mình, dù ông Hoàng Xuân Quế đệ đơn kiện Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ngay sau đó, Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước cũng đã có quyết định hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư đối với ông Hoàng Xuân Quế.
Ngay sau khi nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Ngọc Thành, Vụ Giáo dục ĐH đã có buổi làm việc trực tiếp với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để làm sáng tỏ vụ việc. PGS Khải cũng cho biết đã báo cáo lại toàn bộ sự việc bằng văn bản cho Bộ GD-ĐT.
Ông Bùi Anh Tuấn cho biết Bộ GD-ĐT đang tiến hành xác minh vụ việc theo đơn tố cáo. Kết quả đúng, sai thế nào sẽ được bộ công bố công khai.
Trước những vụ tố sao chép luận văn liên tiếp diễn ra, một lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định quan điểm của bộ là kiên quyết xử lý sai phạm đến cùng.
Bình luận (0)