Trò chơi truyền hình “Ai là triệu phú” trên VTV3 là một game show hấp dẫn thu hút hàng triệu khán giả màn ảnh nhỏ. Ra đời đã khá lâu nhưng đến nay nó vẫn còn nguyên độ “hot”. Điểm đặc biệt của trò chơi này là hiếm có người chơi nào phải ra về tay không, ít ra cũng được chút “lộ phí tàu xe” với năm câu hỏi khuyến mãi đầu tiên, có lúc các câu hỏi dễ đến mức khiến khán giả phải bực mình. Chẳng hạn câu hỏi: Con gà có mấy chân: 1 - 2 - 3 - 4; con người thở bằng gì: Mũi - tai - lưỡi - mắt... Đó là trò chơi, mà đã là trò chơi thì tùy theo mục đích, tiêu chí của mình, chương trình có thể đặt ra bất kỳ kiểu câu hỏi nào, miễn đảm bảo yêu cầu giải trí vui vẻ, lành mạnh là được.
Việc ra đề thi - kiểm tra trong các trường học không phải là trò chơi giải trí nhưng bấy lâu nay ở một số cơ sở giáo dục, qua “nghị quyết miệng”, từ hiệu trưởng đến tất cả giáo viên đều ngầm quy ước với nhau: Khi ra đề phải nghiêm túc học tập trò chơi “Ai là triệu phú”. Nghĩa là kiểu ra đề với mấy câu đầu tiên sao cho thật dễ để tất cả học sinh đều có thể làm được và đạt điểm trung bình. Ít câu còn lại mang tính phân loại, học sinh nào khá mới trả lời được. Và câu cuối cùng mang tính “hủy diệt”, nghĩa là rất ít học sinh có thể làm được và đạt điểm tối đa.
Kiểu ra đề như trên trước hết là nhằm đảm bảo con số đẹp “thành tích” mà nhà trường đã đề ra từ đầu năm: 99,99% học sinh cuối năm đạt kết quả học tập từ trung bình trở lên. Tiếp theo là giải quyết khâu oai giữa trường ta và các trường bạn, hiệu trưởng chứng tỏ với cấp trên về năng lực điều hành của mình. Ngoài ra, các thầy cô còn chứng tỏ được “năng lực chuyên môn” của mình với học sinh: “Các em còn phải cố gắng nhiều”...
Những tổ bộ môn nào thực hiện tốt quy ước “Ai là triệu phú” thì sẽ được hiệu trưởng ngợi khen “có phổ điểm đẹp”; còn tổ bộ môn nào nhỡ ra đề sai phương châm định hướng ấy sẽ bị sếp phê bình kịch liệt và các lần kiểm tra sau phải vất vả, hối hả chạy nước rút, bằng mọi cách “cân đối” điểm số sao cho cuối năm phải đạt “con số đẹp” như nghị quyết đầu năm, nếu không muốn bị trừ điểm, hạ bậc thi đua!
Xem ra, vấn nạn ra đề theo kiểu “Ai là triệu phú” - một biểu hiện của căn “bệnh thành tích” nan y - vẫn còn tồn tại lâu dài và ngày càng di căn trong nhiều trường học. Chừng nào trò chơi “Ai là triệu phú” vẫn còn được “nghiêm túc” áp dụng trong việc ra đề thi, kiểm tra ở trường học, thì chừng đó chất lượng giáo dục vẫn còn là chiếc bong bóng bay to tướng rỗng không nhưng sặc sỡ sắc màu đẹp mắt!
Bình luận (0)