Theo khảo sát lương thường niên năm 2020 thực hiện trên phạm vi Việt Nam, các nước Đông Nam Á và Trung Quốc mới được công bố của Robert Walters - công ty tư vấn tuyển dụng nhân sự có trụ sở tại Anh Quốc, các lĩnh vực có mức lương cao nhưng lại đang rất khát nhân lực hiện nay là công nghệ, số hóa và sản xuất.
CNTT nhu cầu tuyển dụng cao
"Mức lương của nhân sự cấp cao rất hấp dẫn, đến 15.000 USD nhưng vẫn thiếu các giám đốc sản xuất, giám đốc nhà máy, CEO doanh nghiệp công nghệ, giám đốc kỹ thuật các doanh nghiệp công nghệ, số hóa..." - ông Adrien Bizouard, Giám đốc điều hành Roberts Walters Việt Nam, cho hay.
Báo cáo về triển vọng nghề nghiệp và xu hướng kỹ năng giai đoạn 2018-2022 của VietnamWorks cho thấy ngành công nghệ thông tin (CNTT) luôn nằm trong tốp 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất. Xu hướng đặc biệt trong ngành CNTT có thể thấy là sự trỗi dậy của lĩnh vực công nghệ dữ liệu, bao gồm AI (trí tuệ nhân tạo), Data Science (khoa học dữ liệu) và Big Data (dữ liệu lớn) đã phát triển mạnh trong năm 2019 với số lượng đăng tuyển và số lượt ứng tuyển tăng cao. Trong đó, về nhu cầu tuyển dụng, AI dẫn đầu, theo sau là Data Science và Big Data. Với sự phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp công nghệ, nhu cầu tuyển dụng trong ngành CNTT chắc chắn sẽ tăng mạnh trong năm 2020. Một nghiên cứu mới đây cho thấy mỗi năm Việt Nam thiếu 80.000 nhân lực ngành CNTT. Mỗi năm thị trường chỉ cung cấp 32.000 sinh viên tốt nghiệp CNTT và các ngành có liên quan đến CNTT. Mức lương phổ biến của các kỹ sư CNTT tại Việt Nam khác nhau theo chuyên môn, cấp bậc công việc, kinh nghiệm… Cụ thể, theo kinh nghiệm, nhân viên có từ 2 đến 5 năm làm việc nhận mức lương trung bình hơn 800 USD/tháng, từ 5 đến 7 năm nhận 1.100 USD/tháng và 7 đến 10 năm khoảng 1.200 USD/tháng.
Thí sinh tham gia xét tuyển năm 2020 sẽ có thêm nhiều cơ hội với những ngành học mới.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Khảo sát của Robert Walters cũng cho thấy ngành số hóa tiếp tục tăng trưởng mạnh tại Việt Nam khi các doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng công nghệ và dữ liệu để thúc đẩy kinh doanh. Những thay đổi trong hành vi người dùng làm gia tăng việc sử dụng điện thoại di động, các doanh nghiệp thương mại điện tử và xu hướng khách hàng đã liên tục điều chỉnh các chiến lược trực tuyến và di động để duy trì tính cạnh tranh. Điều này thúc đẩy nhu cầu về các nhà phát triển và nhân sự UI/UX.
Mở nhiều ngành mới đón đầu xu hướng
Đón đầu xu hướng nghề nghiệp, năm 2020, ĐHQG Hà Nội dự kiến tuyển sinh 10.000 chỉ tiêu vào hệ ĐH chính quy, mở thêm 17 ngành học là khoa học dữ liệu, kỹ thuật điện tử và tin học; khoa học và công nghệ thực phẩm, công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường... Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng tuyển sinh thêm 4 ngành mới gồm: kỹ thuật phần mềm; mạng máy tính và truyền thông dữ liệu; quan hệ quốc tế và kinh doanh quốc tế. Theo phương án tuyển sinh, Trường ĐH Giao thông Vận tải dự kiến tuyển sinh 3 ngành mới là quản trị du lịch, logistics và kiến trúc. Theo giải thích từ nhà trường, đây đều là thế mạnh của trường, những ngành như quản trị du lịch, logistics sẽ cần nhiều nhân lực nên trường tập trung vào đào tạo những ngành này.
PGS Hoàng Anh Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết năm nay trường mở thêm 5 mã ngành đào tạo mới, gồm marketing, quản trị khách sạn, logistics và quản trị chuỗi cung, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, sinh học ứng dụng. Những ngành này phù hợp nhu cầu phát triển lao động hiện nay, kỳ vọng sẽ giải quyết phần nào bài toán khát nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội trong những năm tới.
Trường ĐH Ngân hàng TP HCM dự kiến tuyển sinh 4 ngành mới, với xu thế đón đầu nhu cầu nhân lực trong tương lai gồm quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành, logistics và quản trị chuỗi cung ứng (thuộc khối ngành kinh doanh, quản lý, du lịch, khách sạn); khoa học dữ liệu trong kinh doanh (khối ngành khoa học).
Theo phương án tuyển sinh năm 2020 mà Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM) vừa công bố, trường dự kiến sẽ mở thêm 5 ngành đào tạo theo chương trình chất lượng cao bao gồm: kỹ thuật hàng không, kỹ thuật y sinh, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kỹ thuật cơ điện tử, chuyên ngành kỹ thuật robot, khoa học máy tính. Cũng để thu hút sự quan tâm của thí sinh, Trường ĐH Mở TP HCM công bố bổ sung thêm tổ hợp xét tuyển và nhiều ngành học mới như chuyên ngành Việt Nam học, chương trình tăng cường tiếng Nhật, khoa học máy tính (chương trình chất lượng cao). Trường cũng dự kiến tuyển sinh 2 ngành học mới gồm du lịch, logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Tăng chỉ tiêu xét tuyển theo năng lực
Xu hướng của mùa tuyển sinh 2020 là các trường có thêm nhiều phương thức tuyển sinh mới, giảm số chỉ tiêu thí sinh lấy từ kết quả thi THPT quốc gia 2020. ĐHQG Hà Nội cho hay năm 2020, các trường ĐH, khoa thành viên xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển kết hợp kết quả thi 2 môn thi THPT quốc gia và chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên; sử dụng phương thức xét tuyển SAT, A-Level. Cũng có chung cách làm này, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) điều chỉnh giảm chỉ tiêu xét điểm thi THPT quốc gia xuống còn khoảng 40%. Đồng thời, tăng chỉ tiêu xét điểm thi năng lực ĐHQG TP HCM lên 40%...
Bình luận (0)