xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rạng danh trí tuệ Việt Nam

Thái An

Sự kiện GS Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng Fields là một kỳ tích, khẳng định toán học Việt Nam đã có nhân tố đỉnh cao, sánh ngang các cường quốc toán học quốc tế

12 giờ 55 phút (theo giờ Việt Nam) hôm qua, 19-8, tại Đại hội Toán học Thế giới tổ chức ở Hyderabad, Ấn Độ, GS Ngô Bảo Châu đã vinh dự được Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao giải thưởng Fields - giải thưởng quốc tế danh giá được xem là giải “Nobel toán học”.

 
Giải “Nobel toán học”
 
Khác với giải Nobel tổ chức mỗi năm một lần và không hạn chế lứa tuổi, giải Fields tổ chức 4 năm một lần và chỉ dành cho các nhà toán học có công trình nghiên cứu xuất sắc dưới 40 tuổi, mỗi lần trao giải không quá 4 người.
 
Cùng với GS Ngô Bảo Châu còn có 3 nhà toán học khác đoạt giải Fields lần này là Elon Lindenstrauss (Israel), Stanislav Smirnov (Nga) và Cedric Villani (Pháp).
 
Trên thế giới, số người được nhận giải thưởng này không nhiều. Ngay cả nước có nền toán học lâu đời như Đức cũng mới có một người đạt được.
 
Trong lịch sử 70 năm của giải thưởng này (1936-2006), có 48 người nhận giải, trong đó chỉ có 4 người đến từ châu Á, gồm 3 người Nhật Bản và một người Mỹ gốc Trung Quốc.
 
 
img
GS Ngô Bảo Châu (thứ hai từ trái qua) cùng các nhà toán học đoạt giải tại Đại hội Toán học thế giới lần 26. Ảnh: TTXVN
 
Trong phần giới thiệu, Liên minh Toán học quốc tế đã nhấn mạnh Ngô Bảo Châu đã đưa ra sự chứng minh sáng sủa về “Bổ đề cơ bản”, là phần quan trọng trong tầm nhìn về toán học mà Robert Langlands – làm việc tại Viện Nghiên cứu Princeton, New Jersey - đưa ra từ những năm 1960. Chương trình Langlands kết nối mọi lĩnh vực của toán học hiện đại.
 
Như chính tên gọi của nó, “Bổ đề cơ bản” tuy chỉ là một vấn đề kỹ thuật nhưng nó đã gây lúng túng cho nhiều nhà toán học suốt nhiều thập kỷ qua. Thành tựu có tính đột phá này sẽ giúp các nhà khoa học khác tiến lên trong việc chứng minh cả chương trình Langlands.
 
GS Trần Văn Nhung ví von với “Bổ đề cơ bản”, GS Ngô Bảo Châu như một tổng công trình sư bắc được nhịp cầu giữa nhiều bến bờ.
 
Tự tin cho giới trẻ Việt Nam
 
Ngay khi nhận được tin GS Ngô Bảo Chân nhận giải thưởng Fields danh giá, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gửi lời chúc mừng đến GS Ngô Bảo Châu cùng gia đình.
 
Rất nhiều GS trong lĩnh vực toán học cũng đã bày tỏ sự vui mừng trước giải thưởng quan trọng này. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sau khi được tin GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields, GS Hoàng Tụy nhấn mạnh giải thưởng mà GS Ngô Bảo Châu giành được có thể coi như một “Điện Biên Phủ mới của Việt Nam”.
 
GS Nguyễn Văn Mậu, Chủ tịch Hội Toán học Hà Nội, cũng là người phụ trách đội tuyển Olympic Toán Việt Nam thời điểm GS Ngô Bảo Châu đi thi quốc tế, nhớ lại Ngô Bảo Châu là một học trò xuất sắc. Hai kỳ thi Olympic Toán quốc tế liên tiếp năm 1988 và 1989, anh đều giành huy chương vàng.
 
Việc GS Châu nhận giải Fields khẳng định Việt Nam đã có nhân tố đạt trình độ đỉnh cao, sánh ngang với các nền toán học khác.
 
Một cách gián tiếp, GS Ngô Bảo Châu đã tiếp lửa cho những ước mơ chinh phục đỉnh cao khoa học quốc tế của rất nhiều du học sinh Việt Nam đang học tập và nghiên cứu ở các nước.
 
GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, tâm sự là người hoạt động trong lĩnh vực toán học, ông rất tự hào về những thành tích của GS Châu, nhất là khi Ngô Bảo Châu đã lớn lên từ chiếc nôi toán học Việt Nam và sau nhiều năm ở nước ngoài vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.
 
Giải thưởng của GS Châu có tác động rất lớn tới nền toán học Việt Nam, tuổi trẻ Việt Nam sẽ tự hào, tự tin hơn vào sự phát triển của toán học nước nhà.
 
Chinh phục nhiều đỉnh cao
 

Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội, là con GS-TSKH Ngô Huy Cẩn và PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền. Anh từng học tại Trường Thực nghiệm Giảng Võ và Khối Phổ thông chuyên toán của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

 
Năm 1988, Ngô Bảo Châu tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế tại Úc và giành huy chương vàng với điểm số tuyệt đối. Mùa hè năm sau, anh tiếp tục giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế tại Đức.
 
Cũng trong năm 1989, anh sang Pháp để học tại Trường ĐH Paris 6 và bảo vệ luận án tiến sĩ khi mới 25 tuổi tại ĐH Sư phạm Paris. Năm 2003, ở tuổi 31, anh hoàn thành luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học) tại Trường ĐH Paris 11, đầu năm 2004, anh trở thành GS của ĐH này.
 
img
GS Ngô Bảo Châu với Huy chương Fields. Ảnh: AFP
 
Cũng trong năm 2004, anh và GS Gerard Laumon, người thầy của anh, cùng nhận giải thưởng nghiên cứu hằng năm của Viện Toán học Clay (Mỹ) dành cho những người đạt thành tựu xuất sắc nhất trong năm nhờ giải quyết một trường hợp đặc biệt của “chương trình Langlands”.
 
Sau khi nhận giải thưởng Clay, Ngô Bảo Châu được Viện Nghiên cứu khoa học cao cấp tại Princeton - Mỹ, mời sang làm GS. Viện này là nơi quy tụ của nhiều nhà toán học và nhà vật lý hàng đầu thế giới, trong đó nhiều người từng đoạt giải Nobel và giải Fields.
 
Sau khi chứng minh được “Bổ đề cơ bản”, một giả thuyết then chốt của chương trình Langlands, Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng Oberwolfach của Đức, giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (năm 2007).
 
Công trình của anh đã được tạp chí đại chúng có uy tín Time, Mỹ bình chọn là “một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009”. Tháng 6-2010, công trình của anh mang tên “Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie” (Bổ đề cơ bản cho đại số Lie) dày 169 trang được chính thức công bố trong tạp chí Publications Mathématiques de L’IHÉS do nhà xuất bản Springer phát hành. Ngày 19-8-2010, Ngô Bảo Châu đã được nhận giải thưởng cao quý Fields.
 
GS Ngô Bảo Châu sẽ bắt đầu làm việc tại Khoa Toán của Trường ĐH Chicago, Mỹ từ ngày 1-9-2010 tới.
 
Năm 2005, ở tuổi 33, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm GS tại Việt Nam. Dù nghiên cứu và giảng dạy toán ở các trung tâm hàng đầu thế giới, GS Ngô Bảo Châu vẫn dành thời gian đáng kể để tham gia công tác hướng dẫn nghiên cứu và giảng dạy chuyên đề cho sinh viên tại Trường ĐH Khoa học
 
Tự nhiên và Trường ĐH Sư phạm (ĐH Quốc gia Hà Nội). Mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chính thức mời Ngô Bảo Châu về Việt Nam cộng tác giảng dạy.

Y.Anh

Ba nhà toán học cùng được trao huy chương Fields

img
Elon Lindenstrauss (Israel)

 
Elon Lindenstrauss sinh năm 1970 tại Jerusalem. Anh có vợ và 3 con. Anh tốt nghiệp cử nhân toán và vật lý tại Đại học Hebrew, Israel năm 1991 và 4 năm sau hoàn thành chương trình thạc sĩ toán.
 
Năm 1999, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Hebrew. Lindenstrauss hiện là giáo sư của Đại học Hebrew và Đại học Princeton (Mỹ).
 
Anh được nhận huy chương Fields vì những thành tựu về thuyết ergod và ứng dụng của chúng đối với lý thuyết số.
 
img
StanisLav Smirnov (Nga)
 
Nhà toán học Nga sinh năm 1970 tại St. Petersburg và đã hai lần giành HCV Olympic toán quốc tế năm 1986, 1987. Stanislav Smirnov học toán tại Đại học St. Petersburg. Anh lấy bằng tiến sĩ tại Viện Công nghệ California năm 1996.
 
Từ năm 1996 đến 1998, anh làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton (Mỹ) và Viện Toán Max Planck (Đức).
 
 Sau đó, anh trở thành giáo sư tại Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển năm 2001. Từ năm 2003 đến nay, anh là giáo sư của Đại học Geneve, Thụy Sĩ. Anh nghiên cứu về giải tích, vật lý thống kê, hệ động lực phức...
 
Smirnov đã nhận nhiều giải thưởng như giải Clay, Salem, giải thưởng của Hiệp hội Toán học châu Âu...
 
 
img
Cedric Villani (Pháp)
 
Villani sinh năm 1973 tại Pháp. Anh học toán tại Đại học Sư phạm Paris từ năm 1992. Năm 1998, anh nhận bằng tiến sĩ và một năm sau trở thành giáo sư Đại học Lyon. Villani có khoảng 50 công trình nghiên cứu về mạng truyền tải quang.
 
Đối tượng nghiên cứu của Cedric Villani là toán lý, phương trình vi phân và đạo hàm. Anh đã giành được một số giải thưởng quan trọng như giải Jacques Herbrand của Viện Khoa học Pháp (2007), giải thưởng của Hiệp hội Toán học châu Âu, Hiệp hội Toán Lý quốc tế, giải Fermat (2009)...
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo