Có con học tại một trường THCS ở quận 3 nhưng trong kỳ tuyển sinh lớp 10 vừa qua, con chị Hà trượt cả 3 nguyện vọng. Vì học lực của con khá giỏi suốt cả 4 năm học THCS nên chị Hà không khỏi ngỡ ngàng khi nhận được kết quả thi của con.
Trường tư cũng kén học sinh
"Gia đình mong muốn tìm một trường tư thục chất lượng cao để con tiếp tục học. Tuy nhiên, trường ngoài công lập cũng không còn nhiều lựa chọn trong thời điểm này. Một số trường có tên tuổi cũng rất kén trong tuyển sinh, chẳng hạn như yêu cầu học lực cả 4 năm đều phải khá trở lên, có hạnh kiểm tốt. Có trường đã đóng danh sách tuyển sinh từ tháng 6 do nhận học sinh từ các tỉnh nên không nhận thêm nữa" - chị Hà nói.
Trượt cả 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập năm nay là chuyện "không thể ngờ tới" của H.N, học lớp 9 tại TP Thủ Đức. Dù tổng điểm được 15,5 nhưng do đăng ký nguyện vọng không đúng nên H.N trượt cơ hội được vào học trường công. "Dù gia đình không tạo áp lực gì nhưng không vào được lớp 10 công lập là một kỷ niệm đáng buồn, nguyện vọng của em là tìm một trường tư thục để học tiếp lớp 10, em không muốn học các hệ khác" - H.N bày tỏ.
Thí sinh thi vào lớp 10 tại TP HCM năm 2022 Ảnh: TẤN THẠNH
Dù không thiếu cơ hội học tập nếu không vào được lớp 10 công lập nhưng theo chia sẻ của nhiều phụ huynh, để tìm một hình thức học tập ổn nhất cho con thì không dễ dàng. "Đa số trường tư thục có mức học phí gia đình không theo nổi. Ngay khi biết kết quả của con, chúng tôi đã tìm hiểu học phí của các trường. Các trường đều thông báo đó là mức học phí chưa bao gồm những khoản thu khác… Trường có học phí vừa phải thì lại ở rất xa, con không đồng ý ở nội trú nên tưởng dễ nhưng lựa chọn rất khó khăn" - chị Hương, một phụ huynh tại quận 7, cho biết.
Bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, năm nay thành phố có hơn 20.000 học sinh lớp 9 sẽ không trúng tuyển vào lớp 10 công lập. Tuy nhiên, ngoài trường công lập, hệ thống các trường khác tuyển sinh sau THCS lên tới gần 50.000 chỉ tiêu.
Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5), thông tin học sinh còn rất nhiều lựa chọn nếu không đủ điểm chuẩn vào các trường THPT công lập. Hiện nay, chương trình học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên hoàn toàn tương đồng với các trường phổ thông. Sau khi học tập 3 năm, học sinh có thể dự thi tốt nghiệp THPT như các bạn khác: thi chung đề, ngồi chung phòng thi và cấp bằng như nhau. "Học sinh cũng có thể học trung cấp nghề tại các trường trung cấp, sau khi có bằng trung cấp nghề thì có thể học liên thông tiếp lên CĐ, ĐH" - ông Hoàng khẳng định.
Theo, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, nếu học sinh trượt cả 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập thì có thể theo học ở các trường trung cấp nghề, hệ giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, trường ngoài công lập. Bằng cấp khi các em tốt nghiệp THPT đều như nhau.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng đăng ký cho học sinh vào học trường công lập, tư thục hoặc học nghề là một lựa chọn rất quan trọng, phụ thuộc nhiều yếu tố. Tuy nhiên, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, cấp THPT được thiết kế nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nếu gia đình có định hướng nghề nghiệp rõ ràng cho học sinh thì việc học nghề ở giai đoạn sớm cũng rất tốt, phù hợp với những chủ trương, khuyến khích của Chính phủ trong việc phát triển nguồn nhân lực.
Cũng theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM, thành phố luôn bảo đảm đầy đủ chỗ học cho học sinh, dù học sinh chọn bất kỳ hướng đi nào, thành phố đều bảo đảm tính công bằng trong giáo dục, hướng các em đến sự phát triển phẩm chất, năng lực.
Chỉ nhận hồ sơ thí sinh trúng tuyển
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, sở không giải quyết các trường hợp đổi nguyện vọng sau khi công bố kết quả tuyển sinh. Các trường THPT không nhận đơn cũng như không hướng dẫn giải quyết việc xin đổi nguyện vọng. Các trường THPT chỉ nhận hồ sơ thí sinh có trong danh sách trúng tuyển của đơn vị.
Bình luận (0)