Không ít phụ huynh tỏ ra bất ngờ khi sách Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1 của hai tác giả Phan Quốc Việt và Nguyễn Thị Thùy Dương, NXB Giáo dục Việt Nam phát hành, dạy trẻ tăng lòng dũng cảm bằng việc đi trên thủy tinh. Cụ thể, trong phần thầy cô kể chuyện có câu chuyện được kể về một bạn học sinh dũng cảm tên An.
“Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt cả lớp và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi và An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn, giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh, nhờ vậy mà An đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi đi qua rồi, An cảm thấy thảm thủy tinh không đáng sợ như mình nghĩ và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng, cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh”.
Minh họa cho nội dung cô giáo kể chuyện là bức ảnh một bé gái đi trên thủy tinh và đoạn thảo luận về sự dũng cảm của học sinh cũng như bài học rút ra sau đó.
Nhiều ý kiến trái ngược nhau của các phụ huynh đã xuất hiện sau bài học này, đặc biệt khi trên mạng xuất hiện một số bức ảnh học sinh đang thực hành theo bài học tại Trung tâm giáo dục ABA. Anh Nguyễn Văn (quận Đống Đa) cho hay việc bảo học sinh đi trên thủy tinh là quá “lố”. “Tôi nhất định sẽ không cho con tôi học bài học này” - anh Văn nói.
Nhiều phụ huynh cũng lo lắng cho rằng bài học này rất nguy hiểm và nếu học sinh làm theo có thể sẽ gặp phải nhiều sự cố vì các con còn quá bé.
Trao đổi với báo chí, ông Phan Quốc Việt, 1 trong 2 tác giả cuốn sách, cho hay đây là giờ học thực hành kỹ năng sống, sinh tồn, lòng dũng cảm không thể học thuộc lòng được. Về mặt vật lý học, hoàn toàn an toàn vì thủy tinh cỡ bằng bao diêm, dày trên 3 cm, thủy tinh ở giữa khoảng 5 cm. “Tôi đã cõng người khác đi trên thủy tinh và không sao hết” - ông Việt nói. Trả lời câu hỏi nếu các cháu làm sao thì ai chịu trách nhiệm, ông Việt khẳng định: "Không ai khác ngoài tôi. Và tôi cũng không dại gì để làm thế, gây đau đớn cho các con làm gì cả”.
Ông Việt cho biết, thông điệp của mình là không phải lúc nào cuộc đời cũng nguy hiểm như chúng ta nghĩ mà chúng ta phải đối mặt với sợ hãi. Hãy thực hành để trải nghiệm và thấu hiểu. “Nhiều lúc cứ nghe kể chuyện, và nếu để các con ngồi yên để lắng nghe, học thuộc lòng các sách về đạo đức, về giáo dục công dân… thì là khác! Trước khi thực hành bài học này, tôi đều tham khảo ý kiến các phụ huynh và họ cảm thấy “sướng” vì họ thấy rằng lâu nay con họ quá nhút nhát! Ngay cả học sinh cũng thế, các em thấy tin tưởng, thấy muốn đối mặt thay vì trước đây cứ sợ sệt và co rúm lại. Cuộc đời là phải đối mặt và đôi khi không đáng sợ như chúng ta tưởng” - ông Việt nói.
Tác giả này cũng khẳng định không đi ngược với số đông mà chính là đang đổi mới bằng cách dạy các con hiểu thật, làm thật, và không biến các con thành gà công nghiệp, như một thẻ nhớ đơn thuần.
Bình luận (0)