Ngày 25-9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã họp phiên toàn thể cho ý kiến vào dự thảo báo cáo kết quả khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách pháp luật về xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông giai đoạn 2012-2017 do ủy ban này tiến hành thực hiện.
Quy định pháp luật tạo thế độc quyền
Trưởng đoàn khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa cho biết đoàn khảo sát đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Bộ Công Thương và tiến hành khảo sát thực tế ở TP Hà Nội, TP HCM và Lâm Đồng; tổ chức tham vấn các chuyên gia và đề nghị của một số địa phương.
Bà Hoa cho hay SGK là một loại xuất bản phẩm đặc biệt, chịu điều tiết bởi nhiều quy định pháp luật. Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát, một số quy định về xuất bản, in, phát hành SGK đã bộc lộ một số bất cập. Cụ thể là quy định về thẩm quyền của Bộ GD-ĐT trong biên soạn, xuất bản, in và phát hành SGK, giáo trình tại khoản 3, điều 99 Luật Giáo dục hiện hành được cho là nguyên nhân chính dẫn tới độc quyền trong hoạt động xuất bản, in, phát hành SGK trong những năm qua.
Mặc dù Luật Xuất bản 2012 đã có một số quy định về điều kiện xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm nhưng chưa đủ để điều chỉnh khắc phục những bất cập nêu trên. Quy định về việc sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất SGK trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông (sử dụng một bộ SGK thống nhất trên cả nước) tại khoản 3, điều 29 Luật Giáo dục hiện hành đến nay không còn phù hợp, mâu thuẫn với quy định "thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, có một số SGK cho mỗi môn học" của Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông…
Chưa hết, quy định về chế tài xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động xuất bản, in, phát hành còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu tình hình vi phạm ngày càng tăng và tinh vi như hiện nay…
Nguy cơ lạm dụng vị trí độc quyền
Chính vì Luật Giáo dục quy định Bộ GD-ĐT có thẩm quyền tổ chức biên soạn, thẩm định, giao NXB tổ chức biên tập, xuất bản, phát hành SGK nên trong thời gian qua, việc xuất bản SGK được thực hiện theo quy trình: bản thảo sau khi được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt sẽ giao cho NXB tổ chức xuất bản, in và phát hành. Chính điều này tạo ra thế độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình từ biên soạn đến phát hành.
Từ việc chỉ có duy nhất một đơn vị được giao tổ chức xuất bản SGK dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền gây hạn chế cạnh tranh, hạn chế việc thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá bán SGK, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi trong phát hành, đáp ứng yêu cầu xuất bản SGK không phù hợp với Luật Xuất bản 2012 và xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay là cơ quan quản lý nhà nước không tham gia biên soạn, xuất bản mà chỉ tổ chức kiểm duyệt, thẩm định SGK.
Cách thức phát hành SGK giáo dục phổ thông thực hiện chủ yếu theo hệ thống nội bộ, khép kín của NXB và kết quả đấu thầu trong thời gian qua cho thấy hoạt động in SGK còn phân tán, khép kín, tính cạnh tranh chưa cao… có thể dẫn đến hạn chế về chất lượng, khó giảm giá thành, chưa khuyến khích việc đầu tư phát triển ngành in.
Thay mới SGK hằng năm gây lãng phí rất lớn. Ảnh: TẤN THẠNH
Lãng phí ngân sách lớn
Đặc biệt, mặc dù giá bán SGK giáo dục phổ thông 2000 khá thấp so với mặt bằng chung của thị trường xuất bản phẩm và giữ nguyên từ năm 2011 nhưng trong nhiều năm qua, tình trạng phần lớn SGK chỉ sử dụng một lần, thay mới hằng năm, gây lãng phí ngân sách nhà nước, gây bức xúc dư luận xã hội. Bà Hoa dẫn chứng do phần lớn SGK chỉ sử dụng một lần dẫn đến việc SGK thay mới với số lượng lớn hằng năm (NXB in, phát hành khoảng 100 triệu bản, doanh thu gần 1.000 tỉ đồng/năm).
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do việc biên soạn, thiết kế SGK chưa hợp lý, đã đưa các dạng/mẫu bài tập trắc nghiệm và các dạng bài tập khác với các "câu lệnh" để học sinh điền/viết vào chỗ trống, lựa chọn đúng sai, nối, khoanh vẽ đánh dấu, tô màu… vào hầu hết SGK.
Báo cáo của Bộ GD-ĐT nêu rõ số lượng SGK đã in, phát hành giai đoạn 2012-2017 là rất lớn. Chỉ tính riêng năm 2017 là 107.807.120 bản sách trên tổng sản lượng 312.000.000 bản in xuất bản phẩm cả nước. Nếu tính cả sách tham khảo, sách VNEN và tài liệu "Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục" thì lên tới 75% tổng sản lượng xuất bản phẩm toàn quốc.
Giá cao do chiết khấu tới 40%
Hiện nay SGK in tại hơn 90 cơ sở in tại 63 tỉnh, thành trong cả nước phải chuyển về nhập kho, sau đó chuyển đến các công ty cổ phần sách và thiết bị giáo dục tại các miền rồi mới chuyển về các công ty phát hành sách địa phương, sau đó chuyển cho các cơ sở giáo dục hoặc đại lý làm tăng chi phí vận chuyển. Theo khảo sát, mức chi chiết khấu phát hành SGK khoảng 250 tỉ đồng/năm.
"Việc NXB thực hiện chiết khấu tới 40% cho đại lý bán SGK sẽ làm giá bán của sách tăng lên. Đề nghị Bộ GD-ĐT có chấn chỉnh để giảm tỉ lệ chiết khấu nhằm giảm giá bán sách cho người dân" - bà Hoàng Thị Hoa nhấn mạnh.
Bình luận (0)