Trước thực tế giá sách giáo khoa (SGK) lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới quá cao, PGS-TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN), cho rằng so sánh cơ học với giá SGK hiện hành là không cùng tiêu chí.
Mua sách giáo khoa cho năm học mới tại FAHASA Cây Gõ (TP HCM) - Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Tùng phân tích: Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh lớp 1 sẽ được học thêm 5 môn học bắt buộc là: đạo đức, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm. Do đó, số lượng SGK tăng từ 6 cuốn lên 9-10 cuốn tùy từng bộ sách. Ngoài ra, số tiết của mỗi môn học cũng có thay đổi so với chương trình hiện hành.
Với chủ trương xã hội hóa, SGK mới được NXB GDVN biên soạn một phần bằng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh của NXB GDVN và một phần bằng vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Đây là khoản kinh phí lớn nhất trong toàn bộ quá trình biên soạn SGK mới. Còn đối với SGK hiện hành, toàn bộ chi phí tổ chức bản thảo SGK lần đầu được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chi trả bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn vay Ngân hàng Thế giới. NXB GDVN đảm nhiệm chi trả các chi phí tổ chức bản thảo cho việc tái bản trong các năm sau và chỉ tính toán khoản chi phí tái bản này vào giá thành SGK hiện hành.
Về quy cách, hình thức của sách, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông mới là chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực, SGK mới được biên soạn theo hướng hình ảnh hóa nội dung, tăng cường kênh hình, với nhiều hình thức minh họa sinh động, hấp dẫn. Sách được in 4 màu toàn bộ trên giấy có chất lượng tốt hơn. Khổ sách lớn hơn khổ SGK hiện hành, do đó chi phí cho giấy và công in đều tăng lên. Ngoài ra, còn các chi phí khác như nhuận bút tăng; chi phí marketing; lãi vay ngân hàng tăng lên trong khi lượng phát hành giảm đáng kể so với việc chỉ có một bộ SGK.
Trước phản ánh của phụ huynh về việc giá sách tăng quá cao, Bộ Tài chính cho hay đã phối hợp với Bộ GD-ĐT báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá bằng hình thức định giá tối đa theo quy định của Luật Giá. Hiện tại, SGK giáo dục phổ thông thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá nhưng không thuộc danh mục mặt hàng do nhà nước định giá, bình ổn giá.
Không bắt buộc mua sách tham khảo
Nhiều phụ huynh có con học lớp 1 tại Hà Nội phản ánh phải mua bộ sách theo danh mục nhà trường đề nghị với giá 400.000 đồng trong khi bộ SGK mới chỉ có giá chưa đến 200.000 đồng. Trong danh mục sách các trường đề nghị phụ huynh mua đầu năm học, ngoài SGK còn rất nhiều sách tham khảo, sách bài tập, đồ dùng học tập... Phần này chiếm phần lớn số tiền của bộ sách.
Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD-ĐT - khẳng định theo quy định, bộ SGK lớp 1 mới có 8 cuốn bắt buộc, gồm: toán, tiếng Việt, đạo đức, tự nhiên - xã hội, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, âm nhạc, mỹ thuật và môn tiếng Anh tự chọn. Ngoài các cuốn SGK chính thức trên, những tài liệu bổ trợ tham khảo khác cho học sinh, phụ huynh có thể tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc. Nhà trường, giáo viên không được ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo.
Bình luận (0)