Trước hết, đó là sự thiếu cẩn trọng của cả cá nhân giám khảo lẫn hội đồng chấm thi, cả trắc nghiệm lẫn tự luận. Đành rằng có những thí sinh thiếu kinh nghiệm khi làm bài trắc nghiệm, dùng bút chì tô mờ, máy không “đọc” được. Nhưng nếu như sau khi tổng hợp kết quả, những giám khảo phụ trách khâu chấm trắc nghiệm xem lại tất cả bài bị điểm 0 thì sẽ thấy được ngay lỗi do bài thi hay máy chấm. Trong thi trắc nghiệm, một thực tế cho thấy nếu thí sinh tô hú họa thì xác suất đúng ít nhất cũng từ 0,5%-25%, rất hiếm khi không có điểm.
Ngay cả chấm tự luận, trừ những bài thí sinh bỏ giấy trắng, không có chữ nào, còn thường thì giám khảo (đặc biệt là giám khảo 2) sẽ xem kỹ những bài bị điểm 0 nếu thí sinh có làm bài. Trong nhiều trường hợp giữa 2 giám khảo không thống nhất được phương án cho điểm có thể hỏi ý kiến trưởng môn hay đưa ra thảo luận trong tổ chấm. Vì vậy, đối với những trường hợp này, lỗi của người chấm chủ yếu do thiếu cẩn thận, không thực hiện việc kiểm tra lại một cách thấu đáo chứ không chỉ đơn thuần do chấm sót ý.
Trong những bài thi bị sai lệch kết quả có khá nhiều bài do lên điểm phiếu số 4. Điều dễ thấy ở đây là phần lớn sai giữa con số 6 với số 0. Rõ ràng lỗi này tại người vào phiếu điểm số 4 (viết) và cũng không loại trừ người nhập điểm từ phiếu số 4 vào máy tính. Như vậy, chỉ có thể do thiếu cẩn trọng, chạy đua với thời gian, số lượng bài thi và không tuân thủ nghiêm quy trình chấm thi nên mới sai lệch.
Thứ hai, có thể do căng thẳng, mệt mỏi nên cán bộ chấm thi cộng sai giữa điểm thành phần từng câu với điểm tổng toàn bài thi. Trên thực tế, lỗi này thường xảy ra nhiều hơn so với việc giám khảo chấm sót ý. Chẳng hạn, trong đợt chấm thi tuyển sinh năm 2014 vừa qua, tại hội đồng thi của một trường CĐ mà tôi tham gia chấm thi, có một giám khảo chấm môn văn cộng sai đến 16 bài trên một túi có 28 bài thi. Tất nhiên, lỗi này được phát hiện và sửa sai ngay sau đó.
Để hạn chế tình trạng này, các công đoạn chấm thi phải chặt chẽ. Ví dụ, sau khi khớp điểm, giám khảo này thấy chênh với giám khảo kia nhiều hơn 0,5 thì cần xem lại các cột điểm thành phần giữa phiếu chấm (giám khảo 1) với điểm thực tế trên bài thi (giám khảo 2) để nếu có sự nhầm lẫn thì sửa lại.
Thực ra, không có hội đồng nào mà không có những sai sót khi tổ chức chấm thi. Tuy nhiên, việc quán triệt chặt chẽ quy chế, cách tổ chức bài bản, nghiêm túc, khoa học của người quản lý cũng như mỗi giám khảo nêu cao tinh thần trách nhiệm, cẩn trọng từng khâu trong suốt quy trình chấm thi là điều mà các hội đồng thi cần quan tâm để hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả đáng tiếc mà người gánh chịu không ai khác ngoài thí sinh.
Thực tế này đặt ra một yêu cầu các trường ĐH, CĐ cần có chế tài cụ thể, nghiêm khắc đối với những tập thể, cá nhân có sai phạm trong quá trình chấm thi. Phải kiểm tra kỹ quy trình chấm và xử lý nghiêm những cá nhân, hội đồng chấm thi mà kết quả sau phúc khảo bị lệch nhiều so với công bố trước đó.
Bình luận (0)