Theo kế hoạch, ngày 27-5, Ban Chỉ đạo quốc gia thi tốt nghiệp THPT sẽ có cuộc họp với Ban Chỉ đạo thi các tỉnh, thành về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Những vấn đề quan trọng của kỳ thi, đặc biệt đối với các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp.
Có thể tổ chức nhiều đợt thi
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ diễn ra vào ngày 7 và 8-7 với 5 bài thi gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, bài thi tổ hợp khoa học xã hội. Các bài thi đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, riêng bài thi ngữ văn theo hình thức tự luận.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa có chỉ thị yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình tổ chức kỳ thi và tuyển sinh; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thí sinh, cán bộ và những người tham gia cũng như có phương án dự phòng trong công tác tổ chức kỳ thi và tuyển sinh.
16.391 thí sinh Bắc Ninh đã đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh cho biết với số lượng thí sinh tăng gần 2.000 em so với năm 2020, tỉnh này dự kiến thành lập 27 điểm thi với 650 phòng thi, 1.650 cán bộ coi thi. Các điểm thi tốt nghiệp THPT là những trường có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu về an ninh, an toàn, phục vụ kỳ thi với lực lượng công an trực, bảo vệ, camera an ninh giám sát ghi hình 24 giờ/ngày.
Theo Bộ GD-ĐT, các điểm thi phải được khử khuẩn, trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn. Khu vực thi sẽ có phòng thi cho thí sinh diện F1, F2, F3 với các phương án phòng chống dịch phù hợp. Trường hợp cần thiết, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức thêm đợt thi. PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT, cho hay bộ đã chủ động xây dựng ngân hàng câu hỏi, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi nhiều đợt.
Thí sinh TP HCM hoàn thành bài thi tại Trường THCS-THPT Diên Hồng (quận 10, TP HCM) năm 2020. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bảo đảm an toàn phòng dịch khi tổ chức thi
Ông Phan Xuân Quyết, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên, cho hay năm 2021, tỉnh này có 14.800 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Hưng Yên chuẩn bị 630 phòng thi với 30 điểm thi, ngoài ra còn 60 điểm thi dự phòng. Khoảng 2.000 cán bộ, giáo viên được huy động tham gia kỳ thi.
Năm nay, tỉnh Hòa Bình có 37 điểm thi tốt nghiệp THPT, tất cả điểm thi phải bố trí phòng thi dự phòng. Với điểm thi có dưới 10 phòng thi, bố trí 1 phòng thi dự phòng; điểm thi có trên 10 phòng thi sẽ bố trí thêm 2 phòng. Các trường THPT ở vùng sâu, vùng xa, ở địa bàn thường xuyên có nguy cơ bị ảnh hưởng thời tiết cực đoan như mưa lũ, ngoài điểm thi chính phải bố trí thêm 1 điểm thi dự phòng.
Tỉnh Đồng Tháp có 29 điểm thi tại 12/12 huyện, thành phố với trên 14.000 thí sinh tham dự. Tỉnh này dự kiến trên 3.000 người gồm cán bộ quản lý, giáo viên của các trường THPT được điều động tham gia công tác coi thi và chấm thi.
TP HCM kiến nghị tự chủ kiểm tra, công nhận tốt nghiệp THPT
Sở GD-ĐT TP HCM đã có báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8-6-2012 và Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017.
Trong đó, sở kiến nghị Bộ GD-ĐT và các cấp lãnh đạo cho phép được áp dụng cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới. Cụ thể, sở kiến nghị Bộ GD-ĐT giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh. Sở GD-ĐT TP HCM tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp.
Bộ GD-ĐT định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, thành phố theo các chuẩn quốc tế và công bố rộng rãi toàn quốc.
Sở này cũng kiến nghị cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở bảo đảm chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường như trường chuyên, trường tiên tiến, hiện đại...
Đặc biệt, Sở GD-ĐT TP HCM cũng kiến nghị cho học sinh chuyên thi một số tín chỉ ở một số môn tương ứng, phù hợp, đang được giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng để có thể được chứng nhận hoàn thành tín chỉ môn cơ bản. Ngoài ra, cho phép TP HCM điều chỉnh tỉ lệ % trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tùy theo đặc thù từng địa phương. Điều chỉnh đối với cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố có diện tích xây dựng trực tiếp phục vụ GD-ĐT tối thiểu là 2 m2/học sinh. Để thành phố thực hiện được 2 ca giữ trẻ cho con công nhân đến 20 giờ 30 phút và giữ cả ngày thứ bảy, chủ nhật, cần phải tăng số lượng giáo viên mầm non và việc này cần phải được chấp thuận của Bộ Nội vụ...
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP HCM, hiện thành phố có hơn 1,7 triệu học sinh các cấp và gần 79.000 giáo viên. Từ năm 2012-2020, mỗi năm TP HCM tăng thêm 50.000-70.000 học sinh. Ngân sách của thành phố chi cho giáo dục hằng năm là khoảng 26%.
Đặng Trinh
Bình luận (0)