Văn phòng Chính phủ ngày 6-2 đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra.
63 tỉnh/thành phố quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng tránh virus corona
Theo thông báo này các biện pháp ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam được WHO, UNICEF ghi nhận và đánh giá cao, thể hiện được vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Việt Nam hiện đã điều trị thành công 3 ca bị nhiễm bệnh. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương thành tích này của ngành y tế.
Theo dự báo, dịch nCoV sẽ có diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và nhân dân tập trung phòng, chống dịch bệnh, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm tinh thần "chống dịch như chống giặc"; không được chủ quan, lơ là, đồng thời không hoang mang; không để dịch lan rộng, chấp nhận các thiệt hại về kinh tế song cần chủ động có các phương án ứng phó, bảo đảm ổn định, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế...
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà soát kịch bản, phương án ứng phó với dịch bệnh, sẵn sàng chuẩn bị cho tình trạng khẩn cấp về y tế theo quy định. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đánh giá, tổng kết phương pháp điều trị của Việt Nam đối với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona.
Tại trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội), toàn bộ các lớp học, khu vực khuôn viên các trường đều được phun thuốc diệt khuẩn.
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan sớm tổ chức đưa hàng viện trợ là trang thiết bị, vật tư y tế của Việt Nam cho Trung Quốc và kết hợp đưa công dân Việt Nam từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) về nước.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì cùng các địa phương bố trí các địa điểm cách ly tập trung. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo tập trung sản xuất khẩu trang và các loại vật tư thiết yếu phòng, chống dịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chỉ đạo dừng hẳn các lễ hội chưa khai mạc và giảm hẳn quy mô các lễ hội đang diễn ra tại các địa phương; chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh đã công bố dịch triệt để thực hiện việc dừng tất cả lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc; các khu di tích, danh lam thắng cảnh hoạt động bình thường và phải bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Bộ Y tế, các địa phương chỉ đạo thực hiện tốt việc tiêu độc, khử trùng trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo, sẵn sàng phương án đưa học sinh, sinh viên đi học trở lại.
Bộ Tài chính chỉ đạo cho phép giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu và thực hiện nghiêm việc kiểm dịch hàng hóa bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định.
Thường trực Chính phủ sẽ trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một số bộ, ngành, địa phương, lưu ý xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, gây dư luận xấu trong xã hội.
Thủ tướng cũng đồng ý cấp phép các chuyến bay đưa người Trung Quốc từ Việt Nam về Trung Quốc; khi bay về Việt Nam không chở hành khách. Đồng ý cấp phép hoạt động tàu liên vận, chuyến bay chở hàng nhưng phải đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch, bảo đảm tuyệt đối an toàn.
63 tỉnh/thành phố cho học sinh nghỉ học để ngừa dịch do virus corona
Theo Bộ GD-ĐT, tính đến hết ngày 5-2, toàn bộ 63 tỉnh/thành phố đã cho học sinh nghỉ học để tránh dịch do virus corona. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, các cơ sở giáo dục cũng sẽ xây dựng các phương án phòng chống dịch trực tiếp tại trường như phải rửa tay trước khi vào lớp, học sinh đeo khẩu trang trước khi đến trường… Trường hợp phải nghỉ học kéo dài, Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh khung thời gian năm học để đảm bảo chương trình giáo dục đào tạo, đảm bảo chất lượng. Thời gian quy định kết thúc năm học có thể muộn hơn và điều chỉnh thời gian tổ chức thi THPT quốc gia.
Bình luận (0)