Tiếp nối thành công của cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần 1, vào tháng 11-2022, Ban Tổ chức - Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần 2.
Cuộc thi thu hút đông đảo các cây bút chuyên và không chuyên từ khắp nơi. Qua đó, tôn vinh truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam, đồng thời khẳng định vị thế quan trọng của người Thầy trong xã hội.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động tặng hoa cảm ơn 3 thành viên ban giám khảo cuộc thi
Từ hàng trăm bài dự thi, Ban Tổ chức chọn đăng hơn 40 bài, từ đây tuyển lựa 20 tác phẩm vào chung khảo cho ban giám khảo chấm, chọn ra những tác phẩm hay nhất để trao thưởng. Từ các nhân vật là các thầy cô được khắc họa qua ngòi bút của các tác giả, Báo Người Lao Động chọn ra những nhà giáo đặc biệt nhất để giao lưu và tri ân tại buổi lễ. Bằng những nỗ lực không mệt mỏi, họ đã không ngừng vượt qua khó khăn, đóng góp rất lớn cho nền giáo dục nước nhà, cho hoạt động truyền thụ tri thức và truyền cảm hứng tích cực cho bao thế hệ học trò.
Lễ trao giải được tổ chức trước thềm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Báo Người Lao Động mong muốn cùng xã hội tiếp nối truyền thống "tôn sư trọng đạo", biểu dương, tôn vinh các thầy cô giáo để lan tỏa ra xã hội về hình ảnh đẹp của những người đưa đò, phát huy tinh thần chia sẻ của cộng đồng đến các thầy cô giáo tiêu biểu.
Dịp này Báo Người Lao Động cũng trao "Mai Vàng tri ân" cho hai nhà giáo có nhiều đóng góp cho nền giáo dục nước nhà.
Trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành Cuộc thi viết "Người thầy kính yêu" lần 2:
- Charm Resort
- Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh TP HCM
Cùng các đơn vị đồng hành Cuộc thi viết lần 3
- Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank)
- Tổ chức Giáo dục SET (SET Education)
Tiêu điểm sự kiện
- Thầy Năm Nhạc: Người thầy truyền cảm hứng10:34
- Phát động cuộc thi thi viết "Người thầy kính yêu" lần 310:29
- Mai vàng Tri ân GS-TSKH-NGƯT Phan Quốc Khánh10:23
- Vượt lên nghịch cảnh để làm chỗ dựa cho học sinh10:16
- Tác giả Quang Ân: Thầy Lâm Bá Nhạc tâm sáng, lòng trong09:53
- Cuộc thi tôn vinh nghề dạy học09:45
- Lời tri ân chân thành đến thầy, cô giáo09:44
- Nhà văn Bích Ngân: Cuộc thi góp phần kích hoạt cảm xúc09:26
- 7 tác phẩm đoạt giải cuộc thi viết09:13
10:34 ngày 17/11/2023
Thầy Năm Nhạc: Người thầy truyền cảm hứng
Tham dự lễ trao giải, nhà báo Phan Hồng Chiến, chia sẻ ông với thầy Năm Nhạc, nhân vật trong tác phẩm "Thầy giáo làng" là đồng hương. Ông kể:
Sau khi về hưu, có thời gian nghiên cứu tôi phát hiện ngôi trường Nhạc Thanh và thầy giáo Năm Nhạc này rất đặc biệt. Tuy là thầy giáo làng, trường nhỏ nhưng là nơi xuất phát của nhiều học trò, trong đó có người giữ những trọng của đất nước, chẳng hạn như nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Năm Nhạc - người thầy truyền cảm hứng
Nhà báo Phan Hồng Chiến chia sẻ về thầy Năm Nhạc
Thầy Năm Nhạc cũng là người cống hiến cho nhà nước, xã hội rất nhiều. Nhưng hiện nay cuộc sống của thấy khá cô quạnh, thầy ít nhận được những chế độ của xã hội, Mai Vàng tri ân của Báo Người Lao Động có lẽ là phần thưởng đầu tiên Thầy nhận được.
Nhưng với nghề nghiệp, thầy Năm Nhạc luôn là người rất tận tụy, thương yêu học trò. Tấm lòng của thầy được nhiều thế hệ học trò ghi nhận, tri ân. Mỗi năm nhân dịp 20-11 thì học trò nào cũng về thăm Thầy.
Có thể nói, thầy Năm Nhạc là thầy giáo truyền cảm hứng, đó là cảm hứng về hoài bão, ước mơ, về lòng yêu nước.
10:29 ngày 17/11/2023
Phát động cuộc thi thi viết "Người thầy kính yêu" lần 3
Tại lễ trao giải Cuộc thi viết "Người thầy kính yêu" lần 2 năm 2022-2023, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân đã phát động Cuộc thi viết "Người thầy kính yêu" lần 3.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động phát động cuộc thi "Người thầy kính yêu" lần 3
Nhà Báo Tô Đình Tuân cho biết hai cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần 1 và 2 đã có sự lan tỏa lớn, thu hút sự tham gia của đông đảo bạn đọc, bạn viết trong và ngoài nước với nhiều tác phẩm sâu sắc. Tiếp nối sự thành công đó, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần 3.
Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng các tác giả đoạt giải và khách mời
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động bày tỏ:
"Chủ đề này chắc chắn sẽ chạm vào mạch cảm xúc của nhiều người. Chúng tôi trông chờ những bài viết hay, chân thật, khắc họa được chân dung của người đưa đò trong ký ức hoặc trong đời sống hiện nay, qua những kỷ niệm, những câu chuyện, hình ảnh ghi dấu ấn của thầy cô đối với cuộc đời của chúng ta, để thấy sâu sắc hơn tình nghĩa thầy trò theo năm tháng, để thắp sáng hơn nữa truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta.
Ban Tổ chức sẽ chọn ra những tác phẩm xuất sắc và những tấm gương thầy cô tiêu biểu để trao giải và vinh danh nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) năm tới, 2024.
Rất khác so với cuộc thi khác, cuộc thi này vinh danh những người thầy đóng góp cho sự nghiệp trồng người.
Những bài dự thi chúng tôi đã nhận, chưa sử dụng cho cuộc thi lần 2 sẽ được thẩm định, biên tập cho cuộc thi lần 3. Kể từ hôm nay, ban tổ chức mong nhận được nhiều tác phẩm dự thi tâm huyết, có chất lượng.
Ban tổ chức tặng hoa cảm ơn đại diện 2 đơn vị tài trợ Cuộc thi viết "Người thầy kính yêu" lần 3
Chúng tôi cũng không quên sự đồng hành rất quý giá của của Ngân hàng TMCP Nam Á và Du học SET - SET Education. Ban Tổ chức rất cảm kích về sự đồng hành này.
Xin kính chúc tất cả Nhà giáo yêu quý và quý vị đại biểu mạnh khỏe, tiếp tục có những đóng góp quý báu cho sự phát triển của đất nước".
10:23 ngày 17/11/2023
Mai vàng Tri ân GS-TSKH-NGƯT Phan Quốc Khánh
"Mai Vàng tri ân" là chương trình do Báo Người Lao Động phát động với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank). Chương trình nhằm góp phần chăm lo đời sống của văn nghệ sĩ, trí thức khắp các tỉnh, thành đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương, của đất nước. Đây hành trình kết nối nghĩa tình mang đậm dấu ấn nhân văn của Báo Người Lao Động và đối tác Nam A Bank.
GS-TSKH-NGƯT Phan Quốc Khánh bày tỏ cảm xúc tại lễ trao giải
Tại lễ trao giải, "Mai Vàng tri ân" đã tri ân là GS-TSKH-NGƯT Phan Quốc Khánh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP HCM
"Tôi hôm nay rất vinh dự được tham gia, được tri ân tại chương trình. Bản thân là nhà giáo, tôi rất ngưỡng mộ và xúc động về những tấm gương nhà giáo là nhân vật trong các tác phẩm đoạt giải cuộc thi viết Người thầy kính yêu" - GS Phan Quốc Khánh bày tỏ.
10:16 ngày 17/11/2023
Vượt lên nghịch cảnh để làm chỗ dựa cho học sinh
Tôn vinh những người thầy - nhân vật trong các tác phẩm đoạt giải
Tham dự lễ trao giải còn có những nhân vật được khắc họa trong các tác phẩm dự thi.
Thầy Hoàng Phú, nhân vật trong tác phẩm "Đốm lửa gieo ánh sáng nơi rẻo cao Tây Bắc":
Thật bất ngờ xen lẫn cảm xúc khi nhận được thông tin từ ban tổ chức cuộc thi mình là nhân vật trong bài viết đạt giải của đồng nghiệp, những người đồng nghiệp đang gieo yêu thương đến thế hệ học trò ở vùng cao.
Tôi đã bị liệt nửa người cách đây 11 năm, gần đây vợ qua đời cho tai nạn giao thông. Nỗi đau chồng chất nỗi đau nhưng động lực lớn nhất để vượt qua những khó khăn này là tình yêu với nghề, học trò, tình yêu với đồng nghiệp, các thầy cô giáo luôn bên tôi. Bên cạnh đó là những ánh mắt của các em học sinh nhìn thầy, cô giáo, trong đó có tôi, với sự kính trọng. Bản thân tôi cũng mong muốn là chỗ dựa vững chắc cho học sinh khi các con gặp khó khăn trong cuộc sống.
Cô giáo Ngọc Tâm, nhân vật trong tác phẩm "Cô giáo thủy tinh 20 năm dạy học miễn phí":
Rất bất ngờ vì trong vô vàn các thầy, cô giáo truyền cảm hứng thì lớp học xương thủy tinh được lan tỏa, được cộng đồng đón nhận yêu thương.
Từ lúc nhỏ tôi đã có ước mơ được làm cô giáo. Nhưng từ khi sinh ra tôi mắc bệnh xương thủy tinh, việc đi học như các bạn bình thường cũng rất khó. Nhưng với khát khao được đi học, năm 8 tuổi, tôi đã nói với gia đình, nên gia đình đưa đến trường gặp thầy, cô giáo và tôi được đi học.
Đến nay, lớp học của tôi đã sắp tròn 20 năm. Chính sự tin tưởng của phụ huynh, học sinh, cộng đồng đã tiếp thêm động lực cho tôi. Nhìn những em học sinh thành đạt là nguồn động viên rất lớn với tôi.
Lớp học xương thủy tinh không chỉ là lớp học mà tôi gửi gắm vào đó đam mê, hoài bão với cuộc sống của mình, với tâm niệm không quan trọng mình sống bao lâu mà mình sống như thế nào.
09:53 ngày 17/11/2023
Tác giả Quang Ân: Thầy Lâm Bá Nhạc tâm sáng, lòng trong
Nói về tác phẩm "Thầy giáo làng", tác giả Quang Ân cho biết được ông Phan Hồng Chiến, nguyên Tổng Biên tập Báo Người Lao Động mời tham gia viết sách về thầy Lâm Bá Nhạc (thầy Năm Nhạc). Tác giả chia sẻ:
Tôi chưa hình dung về người thầy nhưng qua lời các học trò kể, tôi nhận thấy đây là người thầy rất trân quý. Dù là thầy giáo làng chưa qua trường lớp sư phạm nhưng ở thầy tâm sáng, lòng trong, nhiều học trò của thầy đỗ vào những trường danh tiếng…
Tác giả Quang Ân nhận giải thưởng cao nhất của cuộc thi
Tác giả Quang Ân chia sẻ tại buổi lễ
Trong cuộc sống, thầy Nhạc định hướng học trò của mình đi vào những ước mơ để xác lập cuộc sống mới. Trong số những người trò của thầy có người rất thành đạt như nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết…
Tôi đã có ý định viết về người thầy và biết Báo có cuộc thi này nên tôi đã gừi bài tham dự. Tôi xin gửi lời cảm ơn thầy Lâm Bá Nhạc; cảm ơn ông Phan Hồng Chiến; cảm ơn báo người Lao Động và ban giám khảo đã đồng điệu với tác phẩm này.
09:45 ngày 17/11/2023
Cuộc thi tôn vinh nghề dạy học
Các tác giả đoạt giải nhưng không có điều kiện dự lễ trao giải đã có những chia sẻ trực tuyến:
Tác giả Tường Mây (Nguyễn Văn Công) bài viết "Cô giáo thủy tinh 20 năm dạy học miễn phí" bày tỏ sự vui mừng khi tác phẩm của mình đoạt giải. Tác giả cho biết là bạn đọc thường xuyên, hàng ngày của Báo Người Lao Động nên đã theo dõi được các cuộc thi của báo.
Theo tác giả Tường Mây, cuộc thi tổng kết vào dịp 20-11 rất ý nghĩa đối với ngày nhà giáo Việt Nam.
Tác giả Lê Thị Thu Thanh với tác phẩm "Mơ lại được làm học trò của thầy" hiện công tác tại một trường THPT ở Quảng Trị, cô Thanh cho biết là độc giả thường xuyên của Báo Người Lao Động.
Cô cho biết cuộc thi có ý nghĩa rất lớn nhằm tôn vinh nghề dạy học. Đến với cuộc thi, cô gửi 2 tác phầm, trong đó tác phẩm "Mơ lại được làm học trò của thầy" đoạt giải.
Nhân vật trong "Mơ lại được làm học trò của thầy" viết về thầy Bá. Tuy thầy đã rời xa cõi tạm nhưng lòng nhiệt huyết của thầy vẫn còn mãi để truyền lửa cho cô.
09:44 ngày 17/11/2023
Lời tri ân chân thành đến thầy, cô giáo
Tác giả Phạm Thị Yến, hiện là giáo viên THCS ở Sơn La:
Là độc giả thường xuyên, nhiều năm của Báo Người Lao Động. Khi tham gia cuộc thi "Người thầy kính yêu", tôi không nhằm mục đích nào khác là thể hiện sự ngưỡng mộ, yêu quý thầy, cô và các đồng nghiệp.
Nhân vật trong "Đốm lửa gieo ánh sáng nơi rẻo cao Tây Bắc" là thầy giáo trong bài viết, bản thân thầy dù có nhiều nỗi đau, mất mát nhưng vì tình yêu cao cả với học sinh, với nghề nên thầy vẫn lạc quan, nhiệt huyết để vượt lên khó khăn cống hiến cho sự nghiệp trồng người, cho học sinh vùng cao. Thầy đã truyền đam mê, sự vượt khó cho các thế hệ GV sau này. Qua tấm gương của thầy, chúng tôi luôn giữ tình yêu thương, vững tay nghề, tay chèo.
Rất vui và xúc động khi nhận được giải thưởng từ ban tổ chức, trong tương lai mong Báo Người Lao Động tổ chức những cuộc thi ý nghĩa khác.
Tác giả nhỏ tuổi nhất cuộc thi, em Thiều Nguyễn Vỹ Dạ
Tác giả Thiều Nguyễn Vỹ Dạ:
Biết đến cuộc thi từ tết năm ngoái, sau khi được động viên thi, con rất yêu thích chủ đề này nên con tìm hiểu thể lệ cuộc thi. Con cảm ơn ban tổ chức đã tổ chức cuộc thi để thể hiện lòng biết ơn với thầy chủ nhiệm. Thầy đã truyền kinh nghiệm, lối sống lạc quan tích cực đến chúng con.
Tác giải Mỹ Dung chia sẻ khi nhận giải
Tác giả Mỹ Dung:
Cảm ơn các thầy cô, cảm ơn ban tổ chức, vô cùng xúc động khi được ban tổ chức thông báo nhận giải, là niềm vinh hạnh vô cùng lớn lao.
Bài viết như một lời tri ân tôi muốn gửi đến những người thầy, cô kính yêu. Ngày còn nhỏ, khi đi qua những con đường làng, có một loài hoa, dù là hoa dại thôi nhưng rất thơm. Tôi tự hỏi vì sao một loài hoa dại như thế mà còn tạo được ý nghĩa cho đời mà tại sao mình cũng được ăn, học mà lại không làm điều gì có ích. Bài viết là lời tri ân chân thành đến thầy chủ nhiệm năm lớp 7A2 của tôi".
Tác giả Nguyễn Hữu Nhân
Tác giả Nguyễn Hữu Nhân:
Trong lòng tôi có niềm vui rất lớn khi đứng ở đây nhận giải đúng dịp 20-11. Cảm ơn Báo Người Lao Động đã tổ chức cuộc thi, cảm ơn các nhà tài trợ... Cuộc thi làm cho nghề giáo trở nên tươi thắm, vinh quang hơn.
09:26 ngày 17/11/2023
Nhà văn Bích Ngân: Cuộc thi góp phần kích hoạt cảm xúc
Nhà văn Bích Ngân, Thành viên Ban chung khảo cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu") nhận xét Cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần 2 của Báo Người Lao Động đã chọn được những tác phẩm xứng đáng để trao giải.
Cuộc thi cũng đã tôn vinh sự cống hiến của người Thầy - nhân vật xuất hiện trong khuôn khổ hạn hẹp của những bài viết trên trang báo nhưng lại hiện diện trong tâm khảm của những thế hệ học trò và trong sự trân quý của cộng đồng, của xã hội. Bởi đó là những người Thầy mà phẩm hạnh là tấm gương tận hiến cho con người, cho cuộc đời và được nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ soi vào và noi theo.
Nhà văn Bích Ngân
Theo nhà văn Bích Ngân, Cuộc thi viết về "Người Thầy kính yêu" lần thứ 2 tiếp tục góp phần kích hoạt cảm xúc. Trước nhất là cảm xúc của người cầm bút chuyên và không chuyên và tỏa lan cảm xúc không chỉ đối với người Thầy mà còn là cảm xúc của Trò, một đội ngũ hùng hậu, không chỉ làm việc, sáng tạo, cống hiến trong hệ thống giáo dục.
So với cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần thứ nhất cách nay tròn một năm, cuộc thi viết lần này có sức lan tỏa rộng hơn và cũng sâu hơn. Cuộc thi quy tụ được nhiều cây bút chuyên và không chuyên thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, nhiều vùng miền.
Nội dung bài viết cũng đa dạng và phong phú hơn. Những người thầy tận tâm tận lực với học trò ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa; những người thầy trực tiếp giảng dạy ở những bậc tiểu học, trung học ở đồng bằng, ở thành thị; những người thầy có nhiều công trình nghiên cứu, giảng dạy, quản lý ở nhiều trường ĐH và cả những thầy mà tên tuổi trở nên quen thuộc, như nhà giáo Lê Đình Kỵ, nhà giáo Đình Chí, nhà giáo Lê Công Cơ… Đây là những người Thầy mà sự nghiệp cống hiến cùng những công trình nghiên cứu về văn hóa giáo dục của họ đã tác động không nhỏ đến nhận thức, tình cảm cũng như góp phần cho sự hướng nghiệp của nhiều thế hệ trò đã tiếp nối sự nghiệp làm Thầy của những người Thầy kính yêu.
Hai tác giả đoạt giải Ba: Tác giả Đỗ Mỹ Dung và tác giả Thiều Nguyễn Vỹ Dạ
Nhà văn Bích Ngân cho rằng để viết hay về người Thầy phải viết bằng sự thôi thúc từ chính trái tim.
"Theo nghề dạy học tới cùng" (tác giả Nguyễn Hữu Nhân ở Đồng Tháp viết về người Thầy Nguyễn Văn Nghĩa và cũng là người cha của mình) "Thương hoài thầy tôi" (tác giả Đỗ Mỹ Dung viết về Thầy Nguyễn Văn Cẩn), "Mãi nhớ ơn thầy Hảo" (tác giả Thiều Nguyễn Vỹ Dạ, học sinh lớp 6 ở Đăk Lăk viết về thầy Đặng Đình Hảo), "Mơ được làm học trò của thầy" (tác giả Lê Thị Thu Thanh ở Quảng Trị viết về Thầy Huỳnh Công Bá), "Đốm lửa gieo ánh sáng nơi rẻo cao Tây Bắc" (tác giả Phạm Thị Yến, ở Sơn La viết về thầy Hoàng Anh Phú), "Cô giáo thủy tinh 20 năm dạy học miễn phí (tác giả Trường Mây ở Hà Nội viết về cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm) là những bài viết của những cây bút không chuyên nhưng bằng cách thể hiện bởi câu chữ và lòng thành kính, đã khiến người đọc cảm động trước cốt cách, hình ảnh thật đẹp, cao quý và quá đỗi thân thương của những người Thầy tận hiến nghị lực, tâm lực cho nghề, cho đời.
Đặc biệt, với bài "Thầy giáo làng", tác giả Quang Ân ở TP HCM, đã làm người đọc rưng rưng xúc động trước một người Thầy đã dạy dỗ, dìu dắt, khơi gợi hoài bão, chắp cánh ước mơ cho nhiều thế hệ học trò bằng tất cả sinh mệnh của trái tim mình.
Tác giả Quang Ân nhận giải thưởng cao nhất của cuộc thi
Một trong những học trò của thầy giáo làng, thầy Năm Nhạc (Lâm Bá Nhạc) là ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Bí Thư thành ủy TP HCM, nguyên Chủ tịch nước, người luôn khắc ghi công lao người thầy đặc biệt của mình với lòng biết ơn sâu sắc mà trong bài viết, tác giả ghi lại lời ông Nguyễn Minh Triết: "Nhìn lại cả cuộc đời, thầy đã dạy dỗ, dìu dắt lớp học trò để dâng cho đời bao cây lành, trái ngọt. Có được thành quả ấy, ngoài công sức lao động, sự miệt mài của thầy là cả lòng yêu nước, yêu nghề, là cái tâm trong sáng vì các thế hệ cháu con… Thầy Năm ơi, dù tuổi tác chất chồng nhưng hãy còn đây những cậu bé, cô bé hồn nhiên trong sáng của trường Nhạc Thanh ngày nào; còn đây nỗi rưng rưng tìm về với chính mình bên ngôi trường cũ. Chúng em mãi mãi yêu kính thầy, mãi mãi biết ơn thầy và mong thầy trường thọ!".
"Biết ơn và sự tri ơn người Thầy, người không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn góp phầm tạo nên lớp người có đức có tài, có lẽ còn là cái đích mà cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" tiếp tục hướng tới. Bởi, trong dòng đời vạn biến biến này, thì lòng biết ơn và sự tri ơn luôn là giá trị bất biến" - nhà văn Bích Ngân đúc kết.
09:13 ngày 17/11/2023
7 tác phẩm đoạt giải cuộc thi viết
Ban tổ chức công bố 7 tác phẩm của 7 tác giả đoạt giải cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần 2, năm 2022-2023 của Báo Người Lao Động, gồm:
- 1 Giải Nhất: Tác phẩm "Thầy giáo làng", tác giả Quang Ân (tức Từ Nguyên Thạch).
- 1 Giải Nhì: Tác phẩm "Theo nghề dạy học tới cùng", tác giả Nguyễn Hữu Nhân.
- 2 Giải Ba:
+ Tác phẩm "Thương hoài thầy tôi", tác giả Đỗ Mỹ Dung;
+ Tác phẩm "Mãi nhớ ơn thầy Hảo", tác giả Thiều Nguyễn Vỹ Dạ;
- 3 Giải Khuyến khích:
+ Tác phẩm "Mơ lại được làm học trò của thầy", tác giả Lê Thị Thu Thanh;
+ Tác phẩm " Đốm lửa gieo ánh sáng nơi rẻo cao Tây Bắc", tác giả Phạm Thị Yến;
+ Tác phẩm "Cô giáo thủy tinh 20 năm dạy học miễn phí", tác giả Tường Mây (tức Nguyễn Văn Công).
Mức tiền thưởng:
Giải Nhất: 30.000.000 đồng/giải;
Giải Nhì: 20.000.000 đồng/giải;
Giải Ba: 15.000.000 đồng mỗi giải;
Giải Khuyến khích: 7.000.000 đồng mỗi giải.
09:12 ngày 17/11/2023
Cuộc thi đã chạm đến trái tim của rất nhiều bạn đọc trên cả nước
Phát biểu chào mừng và tri ân Nhà giáo, Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cho biết cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần 2 có những dấu ấn rất đặc biệt.
Trước hết, đó là số lượng bài tham gia dự thi nhiều hơn lần thi thứ nhất, chứng tỏ sự lan tỏa và ý nghĩa to lớn của cuộc thi này đã chạm đến trái tim của rất nhiều bạn đọc trên cả nước.
"Trong số gần 150 bài viết gửi về, chúng tôi phải khá vất vả lựa chọn những bài chất lượng cao để đăng trên báo in và báo điện tử. Đặc biệt, gần đến thời hạn kết thúc nhận bài, số lượng bài viết gửi về càng nhiều, các tác giả đều tha thiết và háo hức chờ đợi tác phẩm được đăng. Tuy nhiên, với tiêu chí của cuộc thi, chúng tôi chỉ có thể chọn đăng 40 tác phẩm và chọn 20 tác phẩm trong số đó vào vòng chung khảo chấm giải" - ông Tô Đình Tuân thông tin.
Ông Tô Đình Tuân phát biểu tại lễ trao giải
Theo Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, dấu ấn tiếp theo đó chính là đối tượng tham gia cuộc thi. Bên cạnh các nhà văn, nhà báo với lối viết khá chuyên nghiệp thì còn có rất nhiều nhà giáo, cán bộ công chức - viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động… gửi tác phẩm về dự thi với các bài viết được trình bày chỉn chu với nhiều hình ảnh sinh động.
Trong đó, tác giả nhỏ tuổi nhất là học sinh lớp 6, với tuồng chữ học trò viết tay trên những trang giấy trắng. Mỗi bài viết là một sắc màu với cách thể hiện đa dạng, lối viết sống động và bao trùm là tình cảm sâu sắc, lắng đọng về tình thầy trò trong nhiều hoàn cảnh, thời điểm khác nhau vẫn luôn bền chặt và lấp lánh.
Người Thầy trong các tác phẩm được khắc họa đều có điểm chung là rất tận tâm và yêu nghề đã dạy dỗ, dìu dắt học trò bằng tri thức, tình thương, sự bao dung; giúp các em không chỉ lĩnh hội kiến thức và còn vượt qua những biến cố đầu đời, được truyền thêm nhiệt huyết đam mê để chạm tới ước mơ, trở thành những người tốt và luôn mang trong mình sự biết ơn" - Tổng Biên tập Tô Đình Tuân nhận định.
Qua cuộc thi, độc giả hiểu sâu sắc hơn những đóng góp, cống hiến và chân dung của những người thầy tầm vóc, như "Thầy giáo làng" Lâm Bá Nhạc – hiệu trưởng Trường Nhạc Thanh hơn 70 năm về trước; Nhà giáo Đinh Chí - người mang cốt cách "ông đồ Nghệ", Thầy Lâm Thái Trinh - người thầy xóa mù ở Quảng Ngãi từng bị đày ở nhà tù Côn Đảo; Thầy giáo - TS sử học Huỳnh Công Bá, nguyên Trưởng khoa Sử - Trường ĐH Sư phạm Huế - người đã để lại một kho kiến thức và các công trình nghiên cứu về lịch sử quý và trao truyền niềm say mê nghiên cứu sử học cho bao lớp học trò; GS - Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ thân thương của bao thế hệ sinh viên Trường ĐH Tổng hợp TP HCM năm nào; Nhà giáo Lê Công Cơ - Người đau đáu với sự phát triển của trường ĐH tư thục…
Trong số các thầy, có những vị đã đi xa, cũng có những vị tuổi cao, sức yếu… nhưng đóng góp, cống hiến của họ cho nền giáo dục vẫn còn mãi mãi và luôn được khắc sâu trong tâm trí chúng ta.
Các bài viết tham dự cuộc thi còn thể hiện nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên để bám trường bám lớp của rất nhiều giáo viên có số phận không may mắn, tật nguyền hay đội ngũ giáo viên vùng cao, vùng xa "cắm chốt" trên các bản làng. Những thầy cô ấy dù còn nhiều thiếu thốn nhưng vẫn ngày đêm tần tảo đưa đò - thắp sáng ước mơ cho các em học sinh thân yêu.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động gởi lời cảm ơn các tác giả đã gửi bài dự thi. Theo ông, "đó chắc hẳn là những tình cảm chân thành nhất, lắng đọng nhất, thể hiện truyền thống "tôn sư trọng đạo", thể hiện sự đồng cảm và biết ơn sâu sắc đối với đội ngũ thầy cô giáo trên khắp mọi miền đất nước, gửi gắm qua từng trang viết đến cuộc thi này".
Trước thềm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, thay mặt tập thể Báo Người Lao Động - Ban Tổ chức cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu", Tổng Biên tập Báo Người Lao Động trân trọng chúc các thầy cô giáo luôn dồi dào sức khỏe, có thêm nhiều niềm vui và thành tựu trong sự nghiệp trồng người; chúc các tác giả có nhiều tác phẩm hay và tiếp tục đồng hành với các cuộc thi viết của Báo Người Lao Động. Ông Cũng cảm ơn các vị giám khảo và các đơn vị đồng hành đã góp phần quan trọng cho cuộc thi thành công tốt đẹp.
09:05 ngày 17/11/2023
Tham dự Lễ trao giải Cuộc thi viết "Người thầy kính yêu" lần 2 và tri ân, tôn vinh Nhà giáo là các khách mời, thành viên ban giám khảo cuộc thi, các tác giả và nhiều phóng viên báo, đài.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động tặng hoa cảm ơn 3 thành viên ban giám khảo cuộc thi
Ban giám khảo cuộc thi gồm các vị:
Ông Lê Hồng Sơn - Thành ủy viên, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM
GS-TS, Nhà giáo Huỳnh Như Phương
Chương trình cũng hân hạnh được tiếp đón các vị quan khách:
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Phát triển giáo dục & đào tạo phía Nam, Bộ GD-ĐT
GS-TSKH-Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học thế giới (TWAS)-NGƯT Phan Quốc Khánh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP HCM
Bà Phạm Thị Thu Hiền, đại diện Sở GD-ĐT TP HCM
Nhà báo Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM
Đồng chí Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng BCXB - Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động tặng hoa cảm ơn đại diện đơn vị tài trợ cuộc thi, ông Lê Văn Tân - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Charm Group
Buổi lễ cũng có sự tham dự của đại diện các sở, ban, ngành và các trường đại học. Ngoài ra, đại diện 2 đơn vị tài trợ cho cuộc thi cũng đến tham dự lễ trao giải gồm:
Ông Lê Văn Tân - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Charm Group
Đại diện Vietcombank CN TP Hồ Chí Minh
08:59 ngày 17/11/2023
Trước khi bước vào phần chính của lễ trao giải, ban tổ chức đã công chiếu đoạn clip nhìn lại hành trình cuộc thi Cuộc thi viết "Người thầy kính yêu" lần 2. Những hình ảnh trong đoạn clip mang đến cảm dâng trào, lắng đọng bởi những tình cảm đẹp đẽ mà những tác giả - người học trò đã dành cho thầy, cô của mình.
Bình luận (0)