Thông tư liên tịch này nêu rõ kể từ năm học này, những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề và CĐ nghề cùng trình độ đào tạo sẽ được dự thi tuyển sinh lên trình độ CĐ, ĐH.
Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ học động cơ ô tô. Ảnh: TẤN THẠNH
Học thêm 2 năm, có bằng ĐH
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết để được đào tạo liên thông, các trường ĐH, CĐ phải báo cáo rõ với Bộ GD-ĐT về ngành nghề đào tạo, nhu cầu đào tạo, tổ chức quá trình đào tạo cũng như các tiêu chí, hình thức, điều kiện tuyển chọn, chỉ tiêu dự kiến, điều kiện bảo đảm chất lượng cũng như cam kết bảo đảm chất lượng.
Chương trình đào tạo liên thông phải được xây dựng trên cơ sở chương trình khung của Bộ GD-ĐT trên nguyên tắc bù đủ những khối lượng kiến thức, kỹ năng còn thiếu, tránh trùng lặp để bảo đảm đạt chuẩn trình độ CĐ, ĐH.
Các trường trung cấp nghề, CĐ nghề sẽ có trách nhiệm phối hợp với các trường ĐH, CĐ xây dựng chương trình liên thông.
Thời gian liên thông từ trung cấp nghề lên CĐ và từ CĐ nghề lên trình độ ĐH kéo dài từ một năm rưỡi đến 2 năm học, từ trung cấp nghề lên trình độ ĐH từ 3 đến 4 năm học. Việc tuyển sinh sẽ tuân theo quy định về liên thông của Bộ GD-ĐT.
Bồi dưỡng văn hóa
Một thực tế dễ nhận thấy là các trường ĐH thường đào tạo kiểu hàn lâm còn các trường nghề mạnh về thực hành. Với sự vênh nhau như vậy về kiến thức, liệu khi liên thông các học viên sẽ bị “vênh” về chất lượng so với sinh viên chính quy?
Về điều rất đáng băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nói các trường được giao nhiệm vụ đào tạo liên thông phải có nhiệm vụ bồi dưỡng thêm kiến thức văn hóa cho những học viên học nghề. Những học viên liên thông có thế mạnh là kỹ năng thực hành, nếu được bổ sung lý thuyết sẽ nhanh chóng thích nghi với thị trường lao động hiện nay.
Cũng theo ông Bùi Văn Ga, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành nhiều quy định chặt chẽ để bảo đảm chất lượng đào tạo. Ví dụ, nếu học viên tốt nghiệp trung cấp nghề muốn liên thông mà văn hóa chỉ mới tốt nghiệp THCS thì phải học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Bên cạnh đó, các trường được giao đào tạo liên thông phải có trách nhiệm so sánh, đối chiếu mục tiêu đào tạo, khối lượng kiến thức, tỉ lệ về thời lượng giữa lý thuyết với thực hành, thời gian đào tạo, phương pháp kiểm tra, đánh giá của chương trình trung cấp nghề, CĐ nghề với chương trình đào tạo ĐH, CĐ cùng ngành nghề đào tạo để xây dựng chương trình đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, CĐ nghề lên ĐH, CĐ. Các thông tin về tuyển sinh, chương trình đào tạo liên thông tổ chức đào tạo, cấp phát văn bằng tốt nghiệp phải được các trường công khai trên website của trường.
Ông Bùi Văn Ga khẳng định rằng dựa trên báo cáo của các trường, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể để các trường đào tạo liên thông bổ sung kiến thức đầy đủ cho học viên, bảo đảm chất lượng tương đương sinh viên học tại những trường ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT hiện nay.
Xác định mức lương theo trình độ
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về thực tế nhiều học sinh không muốn thi vào trung cấp, CĐ do bảng lương không rõ ràng, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH sẽ xử lý vấn đề này thế nào, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết vẫn có mức lương cho hệ trung cấp nhưng đúng là chưa có mức lương xác định cho sinh viên tốt nghiệp CĐ, vì thế sinh viên học CĐ khi ra trường làm việc thường được xếp vào mức lương gần với ĐH.
Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với Bộ LĐ–TB-XH về trình độ tốt nghiệp để sinh viên các hệ khác nhau tốt nghiệp ra trường có mức lương xác định, không phải lẫn lộn giữa trình độ nọ với trình độ kia. |
Bình luận (0)