Sau khi ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh, mới đây, Bộ GD-ĐT đã gặp gỡ báo chí để nói rõ hơn về những quy định mới trong điều lệ.
Không đóng góp mà ủng hộ?
Mới nhất là quy định kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp sẽ không có từ sự “đóng góp” mà bằng “ủng hộ” tự nguyện của phụ huynh và nguồn tài trợ hợp pháp khác. Theo ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT, vì tính chất “ủng hộ” này mà điều lệ quy định không ấn định mức ủng hộ bình quân cho phụ huynh.
Cũng theo quy định mới, có nhiều điều mà ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép làm, đó là không được quyên góp của người học hoặc gia đình học sinh các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện. Ông Quang khẳng định tinh thần chỉ đạo của bộ là cương quyết hướng cho ban đại diện cha mẹ học sinh phải làm đúng nhiệm vụ, chức năng chứ không phải là làm chuyện thu góp tiền.
Quy định mới cũng khẳng định quỹ phụ huynh không được chi vào các khoản: bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình...
Một đầu mối quản lý
Trước khi điều lệ mới có hiệu lực, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các sở GD-ĐT báo cáo tình hình thu chi đầu năm học trong các cơ sở giáo dục.
Để tránh việc ủng hộ tự nguyện một cách bắt buộc, Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra quy trình mà các trường phải thực hiện khi triển khai việc xã hội hóa giáo dục. Việc vận động ủng hộ kinh phí cho nhà trường phải được thông qua bởi các cơ quan quản lý cấp trên, đặc biệt là cơ quan quản lý về tài chính.
Bình luận (0)