Các nhà quản lý giáo dục và giảng viên cho rằng việc chuyển đổi từ sách in sang sách điện tử (online) là xu thế tất yếu của xã hội. Càng ngày văn hóa đọc và nghe nhìn cạnh tranh nhau càng gay gắt, người đọc thích sử dụng những phương tiện có nhiều hình ảnh, sự chuyển động hơn là những cuốn sách, bài diễn văn.
Coi sinh viên như khách hàng
PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), cho rằng sinh viên (SV) và các nhà khoa học cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ: Từ sách in cổ điển sang sách điện tử dạng file. Với sách in, người ta chỉ tìm đọc những cuốn không có trên mạng internet, sách cổ điển, có tính chất lý luận hệ thống. Việc đọc sách in cũng tùy thuộc vào từng ngành, nghề. SV hiện nay đến thư viện không chỉ mượn đọc sách in mà còn sinh hoạt, họp nhóm, sử dụng WiFi, không gian để lên mạng tìm tài liệu.
Trước thực tế này, nhiều trường ĐH đã hoàn thiện các dịch vụ tiện ích, tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong việc cho mượn tài liệu để thu hút SV. Thư viện Trường ĐH Luật TP HCM tuy diện tích nhỏ với 3 phòng đọc nhưng có hơn 13.000 đầu sách in, trong khi sách điện tử chỉ 2.500. Đại diện trường cho rằng có lẽ do đặc thù ngành học đòi hỏi phải đọc thật nhiều sách in về luật nên mỗi ngày, thư viện tiếp khoảng 700 lượt bạn đọc. Hiện nay, số hồ sơ bạn đọc đang hoạt động là 8.000 người. Thư viện cũng áp dụng phương án sử dụng thủ thư là cộng tác viên SV. Ngoài ra, thư viện còn triển khai dịch vụ scan, photocopy gửi qua mail, bưu điện và được bạn đọc nhiệt tình đón nhận.
Theo ThS Đỗ Thị Lợi, Phó Giám đốc Thư viện Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, hiện nay, nhu cầu về dịch vụ tại thư viện của SV rất cao, đòi hỏi đội ngũ quản lý, nhân viên phải linh hoạt trong việc ứng xử, giải quyết.
Tại Thư viện Trung tâm ĐHQG TP HCM, SV được chăm sóc như khách hàng thực sự. Ngoài kho sách khổng lồ, thư viện còn có phòng máy tính, máy in, photocopy, phòng họp nhóm rộng rãi, thoáng mát. Hằng năm, thư viện đều thực hiện khảo sát đánh giá mức độ hài lòng về chất lượng phục vụ và tổ chức các cuộc thi, sự kiện nhằm tăng tính tương tác với SV. “Trước đây, chúng tôi cấm SV ăn uống và ngủ nghỉ trong thư viện. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, nhận thấy ý thức SV tại đây khá tốt nên chúng tôi đã gỡ bỏ quy định này. Thư viện giờ trở thành ngôi nhà thực sự của nhiều SV” - TS Hoàng Thị Thục, Giám đốc Thư viện Trung tâm ĐHQG TP HCM, cho biết.
Cần sự định hướng của giảng viên
ThS Dương Thúy Hương, Giám đốc Thư viện Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM), nhận xét đa số SV của trường đều lên thư viện với thái độ tìm tòi, học hỏi. “Nguồn sách online trong thư viện đều có nguồn gốc đáng tin cậy, được đầu tư công phu và chia sẻ với 8 đơn vị của ĐHQG nên nếu SV tham khảo bằng cơ sở dữ liệu trực tuyến cũng tốt. Ngoài ra, lượng sách in vẫn được tăng thêm mỗi năm do nhu cầu đào tạo” - ThS Hương cho biết.
Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của internet, SV phải đối mặt thách thức mới, từ đó học cách ứng phó với sự lôi kéo: Nên đọc gì, không nên đọc gì? Theo PGS Võ Văn Sen, lựa chọn cách tiếp cận thông tin là từ bản thân SV nhưng không nên đổ lỗi hoàn toàn cho họ. Các trường học, giảng viên cũng phải thích nghi, ứng phó trước sự thay đổi bằng cách tăng cường WiFi, cung cấp lượng học liệu phong phú bằng file. “Thầy cô giáo cần hỗ trợ, hướng dẫn, cho địa chỉ để các em không phải khó khăn trong việc tự tìm tài liệu. Cùng lúc, quản lý thư viện cũng phải là đội ngũ giỏi về thông tin, công nghệ chứ không chỉ đơn thuần am hiểu về sách như ngày trước. Tóm lại, một thư viện thu hút SV là nơi biết gắn kết giữa thư viện sách in kiểu cũ với thông tin học hiện đại” - PGS Sen nêu quan điểm.
TS Hoàng Thị Thục cho rằng bên cạnh sự cố gắng của thư viện, rất cần tác động của giảng viên và ý thức của SV về sự cần thiết của việc sử dụng thư viện phục vụ học tập và nghiên cứu. Giảng viên, giáo viên hướng dẫn có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng và yêu cầu SV phải luôn tìm tòi, nghiên cứu tài liệu thay vì chỉ học theo một vài giáo trình nào đó.
Đừng chỉ định tài liệu cho sinh viên
Ông Nguyễn Phát Tài, giảng viên Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình II, cho rằng thư viện cần phải có nguồn sách dồi dào, phong phú, đầy đủ và phải cập nhật thường xuyên. Ví dụ, năm 2016 mà vẫn còn tài liệu năm 1990 thì rất khó cho SV cập nhật kiến thức mới.
Giảng viên cũng cần khuyến khích SV đến thư viện đọc sách bằng cách hướng dẫn, chỉ rõ tài liệu đó ở sách nào, phần nào. Không nên chỉ định sinh viên tự tìm tài liệu liên quan vì sẽ khiến họ tìm kiếm trên Google do nhanh chóng hơn. Cần khuyến khích SV đến thư viện đọc sách bằng cách ghi điểm cho họ trong việc đọc sách... Các trường, các khoa cần tổ chức tập huấn việc trích dẫn tài liệu cho SV, trích dẫn như thế nào cho phù hợp với khoa học và đúng luật...
(*) Kỳ trước: E - book nở rộ, sao chép tràn lan
Bình luận (0)