Hoạt động trị liệu này dành cho các bệnh nhân bị đột quỵ, chấn thương não, vận động yếu,..Đến với chương trình, bệnh nhân sẽ tham gia 3 nhóm hoạt động chính gồm: hoạt động thể chất (ném vòng vào trụ, sút banh vào đích); hoạt động nhận thức (phân màu phối nghĩa); hoạt động xã hội ( gấp giấy origami, cắm hoa).
Sinh viên hướng dẫn bệnh nhân gấp hoa giấy
Giảng viên, sinh viên và bệnh nhân cùng nhau tham gia trò chơi
Vừa xếp thành công bông hoa bằng giấy, bà Thanh Vân (quận 10) liền cười tít mắt khoe thành quả với mọi người. “Khi nào về nhà, tôi sẽ nhờ con gái mua thêm giấy này để tập gấp nhiều hơn”- bà Vân hào hứng nói.
"Các em sinh viên hướng dẫn rất nhiệt tình. Ban đầu, tôi cứ nghĩ mình không làm được nên không dám thử, không ngờ gấp được rồi lại muốn làm thêm nhiều bông hoa nữa" - bệnh nhân chia sẻ.
Cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Mai Trâm, giảng viên môn Phục hồi chức năng, khoa Điều dưỡng Kỹ thuật y học, Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho biết để có được buổi hoạt động trị liệu này, hơn 20 sinh viên đã chuẩn bị hơn 1 tháng trước. Đây là hoạt động giúp sinh viên hiểu hơn về ngành nghề tương lai.
Phục hồi chức năng nói chung và hoạt động trị liệu nói riêng là những hoạt động rất cần thiết cho bệnh nhân. Sau tai biến, bệnh nhân rất cần phục hồi khả năng vận động và nhận thức của mình. "Mặc dù cùng tập cử động tay, nhưng hoạt động cắm hoa sẽ hiệu quả hơn việc chỉ tập bằng dụng cụ. Cắm hoa vừa giúp tay linh hoạt, dẻo dai, vừa giúp bệnh nhân tăng khả năng sáng tạo. Sản phẩm hoàn thiện giúp bệnh nhân thư giãn, thích thú hơn" - cô Trâm chia sẻ.
Hoạt động trị liệu với chủ đề "Kết nối và sẻ chia" giúp nhiều bệnh nhân tự tin vận động nhiều hơn
Nhiệm vụ của bệnh nhân trong phần hoạt động nhận thức là phân loại màu sắc
Nhiều bệnh nhân nam cũng thích thú với hoạt động cắm hoa
Đối với các bệnh nhân, việc cử động và ghi nhớ rất khó khăn. Chính vì thế, khi hoàn thành "nhiệm vụ" bệnh nhân sẽ được một món quà lưu niệm.
Em Nguyễn Trung Tín, sinh viên ngành Hoạt động trị liệu, cho biết gia đình em làm nghề nông, ba mẹ rất hay đau nhức, chính vì thế Tín hiểu và đồng cảm với những bệnh nhân đang gặp khó khăn trong vấn đề di chuyển. Những lần đầu tiếp xúc với bệnh nhân sau tai biến, Tín còn nhiều lúng túng. "Em không thể bắt được "tần số" với các cô chú, em nói nhưng cô chú không hiểu. Sau mỗi lần tham gia các hoạt động thực tế, em rút ra nhiều kinh nghiệm, đặc biệt nhất là rèn được khả năng kiên nhẫn, bình tĩnh" - Tín chia sẻ.
Sinh viên chụp ảnh lưu niệm cùng các bác sĩ, điều dưỡng tại khoa Phục hồi chức năng
TS Lê Khánh Điền (bìa trái) và cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Mai Trâm chia sẻ về những hoạt động trị liệu hiệu quả cho bệnh nhân.
TS Lê Khánh Điền, Trưởng Khoa Phục hồi Chức năng Bệnh viện An Bình, cho hay hoạt động trị liệu của sinh viên đã mang đến nguồn năng lượng mới cho bệnh nhân. "Chính sức trẻ và sự sáng tạo của các em khiến bệnh nhân cảm thấy yêu đời hơn. Không chỉ mang đến tiếng cười cho bệnh nhân, tôi hi vọng trải nghiệm lần này giúp sinh viên – những bác sĩ tương lai hiểu rõ hơn về nghề" - TS Lê Khánh Điền hi vọng.
Bình luận (0)