Báo Người Lao Động số ra ngày 19-4 có bài viết "Học sinh (HS) dùng điện thoại, nơi cấm nơi không" phản ánh về thực trạng HS ngày càng lệ thuộc điện thoại di động (ĐTDĐ). Nguy hại hơn, việc sử dụng lại ngày càng lan tới những HS nhỏ tuổi, nhất là bậc tiểu học.
Trường cấm, phụ huynh vẫn cho dùng
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 7, TP HCM cho biết vào đầu năm học, nhiều phụ huynh (PH) đề nghị nhà trường cho HS được dùng điện thoại, tất nhiên không kết nối mạng để tiện liên lạc đưa đón con. Tuy nhiên, nhà trường không đồng ý do theo quy định, giáo viên chủ nhiệm sẽ lập danh sách từng HS đi kèm với người đưa đón chính thức. Nếu có thay đổi người đón trẻ thì PH phải trực tiếp liên lạc với giáo viên để bảo đảm an toàn cho trẻ.
"Dù nhiều PH giải thích điện thoại chỉ nghe và gọi nhưng nhà trường không đồng ý. HS ngày nay rất thông minh, các em thừa biết đến đâu để kết nối internet và sử dụng" - vị này cho biết.
Vào năm 2014, khi Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM trình bày đề án sách giáo khoa (SGK) điện tử, trong đó nổi bật là trang bị cho mỗi HS một máy tính bảng để sử dụng, nhiều chuyên gia đã phản đối gay gắt chuyện lạm dụng công nghệ trong dạy học. Chưa tính đến yếu tố an toàn cho trẻ khi giữ trong người một tài sản có giá trị, với độ tuổi tiểu học, việc tiếp xúc quá sớm với công nghệ mà không tính đến phương án kiểm soát là sai lầm. Rất may là sau đó, đề án đã bị bác bỏ.
Sẽ là sai lầm khi chỉ nghĩ đơn giản rằng smartphone là thế giới mở cho trẻ em (ảnh có tính minh họa) Ảnh: Hoàng Triều
Cô Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường Phát triển Tài năng và tính cách John Robert Power, cho rằng nhiều gia đình đã quan niệm sai lầm khi nghĩ smartphone là thế giới mở, chính smartphone đã làm lụi tàn trí tưởng tượng, lấy đi tuổi thơ của trẻ. "Một đứa trẻ không phụ thuộc ĐTDĐ sẽ có trí tưởng tượng, quan sát, tư duy phong phú, tự do chứ không lệ thuộc những thứ có sẵn của người khác. Khi một đứa trẻ yêu thiên nhiên, cây cối, con vật… thì lớn lên chúng sẽ xót xa khi người ta hủy hoại môi trường, lên tiếng khi người ta tàn sát động vật" - cô Thụy Anh chia sẻ.
Thui chột sáng tạo, tư duy
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng độ tuổi tiểu học là lứa tuổi các em tiếp thu nhanh nhất, cũng là độ tuổi ghi nhớ lâu nhất về những sự việc các em được học, được tiếp xúc. Vì vậy, lượng kiến thức đưa vào giai đoạn này sẽ rất có ý nghĩa về sau. Theo TS Võ Văn Nam, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM, thế giới internet với vô vàn kiến thức nhưng hầu hết là những thứ có sẵn. Dùng ĐTDĐ, trẻ em chỉ thao tác, tìm tòi trên những thứ có sẵn mà không phải suy nghĩ, tư duy. Như vậy, lâu dần sẽ thui chột sự sáng tạo, lười suy nghĩ, thiếu kỹ năng sống và ứng phó với các tình huống diễn ra xung quanh.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp, giáo viên Trường Song ngữ quốc tế Horizon, cho biết trẻ em ở các thành phố lớn quá nhiều thiệt thòi vì thiếu sân chơi. Chính vì thế, trẻ như bị đẩy vào thế giới smarphone. "Hiện có bao nhiêu phụ huynh nghiêm khắc với chính con mình, không cho con tiếp xúc với công nghệ quá sớm. Bao nhiêu gia đình yêu con bằng cách gần gũi, dành thời gian đọc sách cùng con thay vì khư khư chiếc ĐTDĐ trên tay" - cô Diệp cho biết.
Tăng cường văn hóa đọc sách
Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho rằng thay vì đưa những đề án lớn lao vào trường học, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các trường nên tăng cường đưa văn hóa đọc cho HS. Lan tỏa văn hóa đọc càng nhiều càng tốt, từ khu phố đến từng gia đình. Đồng thời làm cho thư viện trường phong phú để HS thay vì hết giờ học tìm đến ĐTDĐ như một niềm vui thì các em tìm đến sách.
Bình luận (0)