Bởi giữa muôn trùng áp lực bủa vây của ngành nghề, cái khó trong việc giáo dục đạo đức, uốn nắn nhân cách học sinh đang nhân lên gấp bội. Khi mà cả xã hội đang nêu cao nhân quyền, nhà trường đang thực hành quyền trẻ em và ngành giáo dục nghiêm cấm các hành vi xâm phạm thân thể, xúc phạm nhân cách học sinh thì người thầy buộc phải kiên nhẫn, nhẫn nại.
Tuy nhiên, ranh giới giữa nhẫn nại và chịu đựng cực kỳ mong manh. Nhiều giáo viên đang bất lực trước học sinh cá biệt. Họ chẳng khác gì một người lính trên mặt trận giáo dục nhưng "vũ khí" bị tước sạch, quyền giáo dục học sinh đang bị mất dần.
Cứ hễ có vụ việc giáo viên đánh học sinh bị đưa lên mặt báo là y như rằng giáo viên lại phải nhận "gạch đá". Dư luận không tiếc lời "ném" về phía người thầy những câu từ phẫn nộ, chê bai, lên án. Một vài trường hợp giáo viên đã bị đuổi việc, chấm dứt hợp đồng, khiển trách, cảnh cáo… Tất cả như một tấm gương nhãn tiền làm sờn lòng nhiệt huyết giáo dục học sinh.
Biện pháp giáo dục học sinh cá biệt bây giờ quanh đi quẩn lại là nhắc nhở, phê bình trước lớp, ghi tên vào sổ đầu bài, mời phụ huynh học sinh, cảnh cáo trước cờ. Chừng ấy "thuốc" thật sự chưa trị dứt các biểu hiện lệch lạc trong hành vi, nhận thức của học sinh. Tình trạng "lờn thuốc", đã xảy ra và nền nếp học sinh tuột dốc khiến lòng người thêm ca thán, nhức nhối.
Tôi không hề muốn người thầy phải sử dụng đòn roi trong giáo dục, không hề cổ xúy việc bạo hành học sinh. Nhưng quả thật cái uy của nhà giáo đang mất dần trước áp lực vô hình từ dư luận. Nhiều người đang "co mình", chùn chân trước nhiệm vụ giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh. Họ đang nhắc nhở nhau "mặc kệ nó" khi thấy những sai trái, lệch lạc trong nhân cách học sinh.
Chúng ta phê phán người thầy ư? Chẳng thể nào trách được các thầy cô khi liên tiếp nhiều vụ việc phụ huynh hành hung giáo viên, không tiếc lời xỉ vả cô giáo trên mạng xã hội cũng như gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng vẫn đang diễn ra. Tất cả đôi khi chỉ bắt đầu từ một thước kẻ vụt tay, một roi vào mông trò và những câu từ tuôn ra trong lúc nóng giận.
Lời nhờ cậy của phụ huynh vẫn gửi gắm đều đều: "Trăm sự nhờ cô", "Nếu cháu hư, cô hãy đánh để răn dạy". Nhưng giáo viên sợ lắm rồi tâm huyết dạy dỗ, uốn nắn nhân cách học sinh của mình bị hiểu nhầm và đánh đồng với bạo lực học đường, bạo hành học sinh. Vậy là chẳng còn cách gì khác ngoài việc học chữ "nhẫn" để răn mình, tránh xa tai tiếng, ồn ào.
Nhưng giáo dục lẽ nào chỉ cần làm tốt nhiệm vụ dạy chữ, còn bỏ mặc trách nhiệm dạy người ư? Nhà trường đẩy trách nhiệm giáo dục nhân cách học sinh cho gia đình và xã hội ư?
Cuộc chiến "giữ lương tâm hay lương tháng" chắc hẳn vẫn đang làm lòng người thầy trăn trở, cắn rứt!
Bình luận (0)