Sáng nay, 7-7, các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2021 đã hoàn thành bài thi ngữ văn trong 120 phút.
Đề thi năm nay được đánh giá là bám sát nội dung kiến thức chương trình đã học, có kết cấu giống với đề thi minh họa đã được Bộ GD-ĐT công bố trước đó.
Đề thi ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021
Tuy nhiên, một số thí sinh nhận xét phần đọc hiểu với đoạn trích trong tác phẩm "Bí mật của nước", tác giả Masaru Emoto hơi khó. Đề cũng không có các dạng câu nhận định về phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ giúp thí sinh kiếm điểm.
Một số thí sinh Trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) vui mừng sau khi kết thúc môn thi văn. Ảnh: Ngô Nhung
Tuy nhiên, phần Làm văn ra về 3 khổ thơ đầu bài "Sóng" của Xuân Quỳnh thì tương đối dễ đối với nhiều thí sinh. Thí sinh Nguyễn Thái, dự thi tại Hội đồng thi Trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Nội), nhận xét với đề thi này, thí sinh dễ "chém" và có cơ hội nhận điểm.
Thí sinh sau khi kết thúc môn Ngữ Văn tại Trường THPT Mạc Đỉnh Chi, quận 6. Ảnh Hoàng Triều
Trong khi đó, tại TP HCM, thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), nhận xét đề thi Ngữ văn sáng 7-7 khác hoàn toàn so với đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó nhưng lại khá giống đề thi chính thức của kỳ thi năm 2020. Trong đề thi minh hoạ, chọn ngữ liệu đọc hiểu là một đoạn thơ và nghị luận văn học là một đoạn văn xuôi. Trong khi đề thi chính thức thì ngược lại.
Thầy Đức Anh cho rằng, pha "lật kèo" này của Bộ GD-ĐT khiến nhiều thí sinh bất ngờ. Theo nhận định và dự đoán của nhiều giáo viên và học sinh năm nay thì thí sinh sẽ tập trung ôn kỹ các tác phẩm văn xuôi nhưng luyện kỹ dạng đề đọc hiểu và thơ. Do đó, thí sinh sẽ không thể phóng bút và khó thăng hoa với đề thi này.
Đề thi không khó nhưng học sinh có lẽ sẽ không dễ lấy điểm cao. Phải là những học sinh có kỹ năng làm bài và ôn luyện chăm chỉ thì với đề thi này mới có thể đạt từ 7 điểm trở lên. Trong đề thi không có câu "gài bẫy", đánh đố hay làm khó thí sinh nhưng đánh giá tổng quát thì đề thi năm nay hay.
Cụ thể, thầy Đức Anh phân tích:
Câu đọc-hiểu: Ngữ liệu ngắn vừa phải, nội dung hay, nhẹ nhàng, nhưng lại có tính giáo dục cao. 4 câu hỏi đọc đọc hiểu thoát ly hoàn toàn kiểu hỏi để kiểm tra kiến thức tiếng Việt, hay từ ngữ pháp (như biện pháp tu từ, phương thức biểu đạt). Bốn 4 câu hỏi đều đúng nghĩa là đọc - hiểu và tạo cơ hội cho thí sinh bày tỏ quan điểm về minh, không gò bó.
Thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Mạc Đỉnh Chi, quận 6. Ảnh: Hoàng Triều
Ở câu Nghị luận xã hội: Vấn đề "sự cần thiết của việc cống hiến" gần gũi, quen thuộc và có ý nghĩa thiết thực đối với việc định hướng lối sống đẹp cho thí sinh vào nguỗng cửa của sự trưởng thành. Với câu này, học sinh dễ viết và cũng đã ôn luyện nhiều trong đề thi thử ở các trường.
Đáng chú ý, năm nay, giáo viên ôn luyện theo sát đề minh hoạ sẽ bất ngờ với đề thi này và học sinh cũng vậy. Đó là nhiều giáo viên xếp các tác phẩm văn xuôi có khả năng cao hơn thơ nên việc đưa thi phẩm "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh vào đề thi gây bất ngờ.
Hơn 10 năm qua, "sóng" không nằm trong đề thi tốt nghiệp THPT nhưng năm nay, Bộ GD-ĐT lại chọn. Trong khi đó, phần yêu cầu nâng cao để phân hóa thí sinh là "nhận biết vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh" cũng không quá khó.
Dù vậy, tại TP Đà Nẵng, sau khi kết thúc môn thi ngữ văn, nhiều thí sinh cho rằng đề khá dễ và vừa sức. Thí sinh Diễm Sương, điểm thi Trường THPT Phan Châu Trinh – Đà Nẵng, cho biết đề thi Ngữ văn năm nay khá dễ, nằm trong chương tình ôn tập nên không quá khó khi làm bài.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Phan Châu Trinh – Đà Nẵng. Ảnh: Bích Vân
Thí sinh này cũng cho biết bài thơ "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh trong phần 2 khá gần gũi nên phần lớn thí sinh đều làm tốt câu này.
Còn thí sinh Lê Ngọc Bảo Châu, cùng ở điểm thi trên cho hay nhiều thí sinh cũng dự đoán sẽ có phần liên hệ thực tế về dịch Covid-19 nhưng lại không có trong đề thi. Tuy nhiên, thí sinh Châu nhận định đề ngữ văn không đánh đố, vừa sức với học sinh trung bình, học sinh khá giỏi có thể dễ dàng đạt điểm cao.
Thí sinh tại điểm thi THPT Nguyễn Việt Hồng, TP Cần Thơ, thảo luận sau khi làm bài thi Ngữ văn. Ảnh: Ca Linh
Trong khi đó, tại TP Cần Thơ, một số thí sinh thi tại điểm thi THPT Nguyễn Việt Hồng (quận Ninh Kiều) nhận định đề thi Ngữ Văn khó nhưng hay. Đặc biệt là ở câu 3 phần đọc hiểu "... hiểu gì về dòng chảy của nước và cuộc sống con người", ở câu này một thí sinh nói rằng những bạn có tư duy và hiểu biết sâu rộng mới làm được.
TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Hệ thống giáo dục Học mãi (Hà Nội):
Bài làm văn "Sống và cống hiến": Không làm khó học trò
nhận xét đề thi ngữ văn bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo. Ở phần đọc - hiểu (3 điểm), hai câu đầu (câu 1 và 2) là câu hỏi nhận biết về 1 khía cạnh của nội dung văn bản. Câu 3 ở mức độ thông hiểu yêu cầu học sinh trình bày cách hiểu của mình về một hiện tượng cụ thể, từ đó khái quát lên những quy luật trong cuộc sống con người. Đây là câu hỏi đòi hỏi thí sinh không chỉ nhận thức được nội dung ý nghĩa của cấu trúc ngôn từ mà còn cần kết hợp với trải nghiệm cá nhân trong cuộc sống để hướng tới những vấn đề lớn lao, mang tính vĩnh hằng trong cuộc sống con người. Do đó đây là 1 câu hỏi thông hiểu ở mức độ khó.
"Câu hỏi số 4 là câu vận dụng cao yêu cầu học sinh rút ra bài học về lẽ sống qua hành trình từ sông ra biển của nước trong đoạn trích. Nếu kết hợp với vấn đề đặt ra trong câu nghị luận xã hội, học sinh có thể dễ dàng trả lời được câu hỏi số 4 về lẽ sống cống hiến. Theo đánh giá, các câu hỏi đọc hiểu vừa sức với học sinh, nhất là 2 câu đầu ở mức độ nhận biết, học sinh hoàn toàn có thể được điểm tối đa; câu hỏi vận dụng cao cũng đã có phần gợi ý từ câu lệnh của bài làm văn số 1; khó khăn duy nhất với học trò là câu 3 ở mức độ thông hiểu – và đây có thể coi là câu hỏi mang tính phân loại cho bài làm của thí sinh" – TS Trịnh Thu Tuyết nhận định.
Ở phần làm văn, câu 1 (2,0 điểm) yêu cầu cụ thể để thí sinh có thể viết 1 đoạn văn với dung lượng khoảng 200 chữ về 1 khía cạnh của vấn đề rút ra từ đoạn trích của phần đọc hiểu, đó là "sự cần thiết phải biết sống cống hiến". "Sống cống hiến" là một vấn đề quen thuộc trong cả cuộc sống và văn chương; chọn bình diện nhỏ của vấn đề là "sự cần thiết phải biết sống cống hiến" chính là yêu cầu học trò đề cập đến ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, giá trị….của ý thức "sống cống hiến" đối với mỗi con người cũng như toàn xã hội. Một vấn đề rất lớn lao, rất ý nghĩa và cũng đồng thời quen thuộc trong thi ca, văn học, trong cuộc sống hàng ngày… hoàn toàn sẽ không làm khó cho học trò.
Câu 2 (5 điểm) là câu nghị luận văn học vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc, trong đó câu lệnh thứ nhất là nội dung chính của bài nghị luận yêu cầu thí sinh cảm nhận về 3 khổ 3,4,5 trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Theo TS Trịnh Thu Tuyết, khổ 3 và 4 thể hiện những trăn trở, suy tư của người phụ nữ về sự bí ẩn, kỳ lạ, cũng là kỳ diệu của tình yêu khi liên tưởng tới sóng và gió. Khổ 5 thông qua sóng, người phụ nữ bày tỏ một trong những xúc cảm mang tính đặc thù nhất của tình yêu đó là nỗi nhớ… Đó là những nội dung gắn với suy tư và xúc cảm thường gặp của người phụ nữ trong tình yêu, cũng đồng thời thể hiện " vẻ đẹp nữ tính" trong hồn thơ Xuân Quỳnh nói chung và bài thơ Sóng nói riêng. "Vấn đề không mới, càng không hề khó với học trò, và "vẻ đẹp nữ tính" là một nét đặc sắc rất phù hợp với đoạn thơ và bài thơ - đó là những vấn đề mà thí sinh hoàn toàn có thể đồng thời phân tích trong quá trình cảm nhận, hoặc tách thành 2 luận điểm một cách mạch lạc như yêu cầu của đề" – TS Trịnh Thu Tuyết nhận xét.
"Đề thi vừa sức, quen thuộc, không có cả sự đột biến gây sốc cũng như sự mới mẻ khơi gợi hứng thú sáng tạo. Phần Làm văn không có những câu lệnh tạo dư địa cho phản biện và sự thể hiện quan điểm độc lập của thí sinh. Mức độ phân hóa của đề nếu có cũng chỉ xuất hiện trong câu hỏi đọc hiểu số 3,4 và trong mức độ thực hiện các yêu cầu của phần Làm văn" – TS Trịnh Thu Tuyết kết luận.
Trong chiều nay, các thí sinh sẽ thi môn toán với thời lượng 90 phút: 14 giờ 20 phát đề, 14 giờ 30 chính thức làm bài thi.
Bình luận (0)