Ngày 4-8, 5/7 thành viên HĐQT và 4 thành viên ban kiểm soát đương nhiệm của Trường ĐH Hoa Sen đã gặp gỡ báo chí để phản ứng về đại hội cổ đông bất thường tổ chức hôm 2-8.
Chưa đủ cơ sở tổ chức đại hội ?
Tại buổi gặp, luật sư Trần Văn Tạo, Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của trường, cho biết cuộc gặp không nhằm để thanh minh mà để minh bạch mọi chuyện trong thời gian vừa qua, đồng thời tuyên bố đại hội cổ đông bất thường do nhóm cổ đông chiếm hơn 30% cổ phần triệu tập vừa qua là bất hợp pháp.
Theo ông Tạo, đầu tiên, nhóm cổ đông này gửi yêu cầu đến HĐQT nhưng bị từ chối vì chưa hội đủ lý do để tổ chức đại hội. Ngày 20-6, nhóm cổ đông này tiếp tục gửi yêu cầu đến ban kiểm soát và được phản hồi là sẽ xem xét. Ngày 24-7, ban kiểm soát mời một số cổ đông đến làm việc nhưng các cổ đông có tên trong danh sách không có mặt nhưng lại yêu cầu ông Nguyễn Trung Đức, thành viên HĐQT, đứng ra triệu tập đại hội. Theo ông Tạo, việc gửi yêu cầu như vậy là sai luật. Luật cũng không quy định thời gian ban kiểm soát bắt buộc phải trả lời yêu cầu của cổ đông. Ông Tạo cũng cho biết cổ đông quyết nghị thông qua các vấn đề trong đại hội chỉ nắm giữ có 59% cổ phần của trường, không đủ 65% theo quy định.
TS Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng đương nhiệm, cũng nói đây là quan điểm của 5/7 thành viên HĐQT và ban kiểm soát đương nhiệm vì sau khi xem xét số cổ phần trong đại hội, nhận thấy trong số này có các cổ phần đang còn tranh chấp, không đủ cơ sở pháp lý để tham gia quyết định.
Cũng như thư ngỏ trước đó gửi báo chí, bà Phượng cho biết chương trình Vatel và 119 tỉ đồng được nêu ra trong đại hội đã được xem xét trách nhiệm cá nhân và cũng đã được khắc phục. Trường đã mời một công ty kiểm toán nước ngoài để kiểm toán nên không có lý do để triệu tập đại hội cổ đông bất thường. Sáng 4-8, HĐQT đã gửi báo cáo đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cũng như một số cơ quan liên quan.
Mâu thuẫn khi cổ tức cao
Một phóng viên đặt câu hỏi trường tuyên bố phi lợi nhuận, có cam kết chia cổ tức bao nhiêu phần trăm hay không mà dẫn đến đại hội cổ đông bất thường chọn việc chia 30% cổ tức cho các cổ đông?
Bà Bùi Trân Phượng trả lời rằng khi trường phải chuyển đổi từ trường CĐ bán công, có một dự thảo quy định mức trần cổ tức khi trường ĐH hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận. Dự thảo này không được thông qua nhưng trường dựa vào tinh thần đó để lập quy chế hoạt động của Trường ĐH Tư thục Hoa Sen ngay từ biên bản đầu tiên (năm 2007). Vì vậy, hằng năm, khi phân phối chênh lệch thu chi, trường đều khống chế cổ tức bằng tiền mặt và thấp hơn so với lãi suất tiết kiệm cùng thời kỳ. Tuy nhiên, đó là cổ tức bằng tiền mặt và cổ tức hằng năm đều thấp. Riêng đại hội thường niên cuối cùng gần đây vì năm tài chính của trường tính theo năm học nên chưa áp dụng Luật Giáo dục ĐH, do đó cổ tức được đẩy lên cao. Đáng lẽ HĐQT quyết 5% nhưng lúc này có tính thời thế nên đưa lên 15%. Ra trước đại hội, những người là thành viên HĐQT tự chủ động đòi 20%, 30%, thậm chí 35%, sau đó HĐQT kéo xuống 20%.
Cũng theo bà Phượng, đại hội cổ đông thường niên diễn ra hồi tháng 1-2014 là sóng gió nhất. Tại đó, quan điểm mâu thuẫn bộc lộ rõ. Lý do là Luật Giáo dục ĐH ra đời, HĐQT dự định đề nghị sửa đổi quy chế nhà trường theo quy chế hiện hành là từ “trường hoạt động phi lợi nhuận theo Nghị quyết 05/2005/NQ-CP” thành “hoạt động theo cơ chế hoạt động vì lợi nhuận theo Luật Giáo dục ĐH”… Mâu thuẫn về quan điểm lợi nhuận và phi lợi nhuận khiến cho quyền lợi của cổ đông bị đe dọa, mới có chuyện cổ đông đòi nâng cổ tức lên 30%.
Có phóng viên đề nghị làm rõ thông tin dư luận cho rằng lương của hiệu trưởng là 2 tỉ đồng/năm, bà Phượng cho biết học phí của trường thu là 50 triệu đồng/năm/sinh viên (chương trình Vatel là 60-70 triệu đồng/năm/sinh viên). Với trên 10.000 sinh viên nên lương hiệu trưởng hiện là trên 80 triệu đồng/tháng.
Chờ sự công minh của các cấp quản lý
Nhiều phóng viên đặt câu hỏi chuyện gì sẽ xảy ra khi trường có 2 HĐQT, 2 ban kiểm soát và dự kiến sẽ có 2 ban giám hiệu, TS Bùi Trân Phượng cho biết việc mất ổn định môi trường đào tạo nhà trường là điều mà HĐQT lo lắng từ lâu nhưng do mâu thuẫn về quan điểm từ 2 phía nên dẫn đến tình trạng như hiện nay. Việc lo lắng của sinh viên trong trường, nhất là với tân sinh viên vừa trúng tuyển vào trường, là có thật. Ban giám hiệu đã dành nhiều thời gian lắng nghe và đã gửi thông điệp của hiệu trưởng để trấn an sinh viên. Trường vẫn cố gắng giữ môi trường học tập ổn định cho sinh viên như cam kết từ khi sinh viên mới vào học và chờ sự xem xét công minh của các cấp quản lý.
Bình luận (0)