Khi ôn tập, nên chia ra các phần theo chương trình và nắm đặc điểm chung nhất của mỗi phần, mỗi chương. Về cơ bản, chương trình địa lý lớp 12 có 3 phần chính là địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế, địa lý dân cư. Để tránh nhầm lẫn kiến thức và tình trạng học trước quên sau, học sinh nên sơ đồ hóa kiến thức từng phần. Sau đó, tìm hiểu mối liên hệ về kiến thức của các phần đó và ghi nhớ.
Nên vừa học vừa tự tái hiện ra giấy nháp, sau đó tự trình bày lại kiến thức xem phần nào còn thiếu; bám sát sách giáo khoa và kiến thức đã được học (lưu ý bỏ phần giảm tải) để nắm vững các kiến thức cơ bản của chương trình. Việc trao đổi thường xuyên với giáo viên bộ môn, bạn bè, nhóm học tập... là hết sức cần thiết để ghi nhớ; trong quá trình củng cố kiến thức, cần kết hợp tự kiểm tra kiến thức của mình bằng một hệ thống câu hỏi trong sách giáo khoa và lượng kiến thức tương ứng giữa sách giáo khoa với một số đề thi ở các năm trước.
Cần tận dụng và khai thác hiệu quả các phương tiện học tập mà Bộ GD-ĐT cho phép sử dụng trong lúc thi. Atlat được xem là “bảo bối” trong kỳ thi tốt nghiệp bởi đề thi luôn có câu “dựa vào Atlat để khai thác kiến thức”. Khi khai thác Atlat, cố gắng nắm chắc phương pháp thể hiện, các ký hiệu bản đồ sử dụng (như tam giác màu đen ký hiệu là sắt, ô vuông màu đen là than đá...).
Khi đọc Atlat phải theo trình tự khoa học và logic, ghi nhớ các nội dung kiến thức trong bài học với các mục cụ thể trong Atlat để rút ra các thông tin cần thiết đồng thời giúp khai thác mối liên hệ giữa các đối tượng địa lý cần tìm hiểu. Nên rèn luyện các kỹ năng về biểu đồ. Thông thường ở các kỳ thi tốt nghiệp, đề ra các dạng biểu đồ cột, biểu đồ tròn, biểu đồ kết hợp cột và đường... Câu kỹ năng này chiếm 2 điểm nên học sinh cần lưu ý để tránh mất điểm. Lưu ý, các dạng biểu đồ đều có trong Atlat và hệ thống câu hỏi đều yêu cầu dạng biểu đồ cụ thể. Đây là một lợi thế rất lớn của môn địa lý.
Trước khi chính thức làm bài phải chú ý đọc kỹ đề, tránh qua loa dẫn đến nhầm lẫn kiến thức hoặc làm bài không đúng, đủ yêu cầu của nội dung cần trả lời. Xác định nội dung của đề nằm trong phần nào của chương trình (địa lý tự nhiên, dân cư hay địa lý kinh tế), từ đó vạch ý cho phù hợp với đặc điểm riêng của từng phần. Câu nào thuộc bài thì làm trước để lấy chắc điểm của câu đó. Thông thường, câu dựa vào Atlat và câu kỹ năng (vẽ biều đồ) dễ lấy điểm nhất nên cần làm trước. Cách trình bày bài phải logic theo từng ý (chia ra ý lớn, ý nhỏ riêng biệt); tránh chồng chéo, lặp và thiếu ý.
Bình luận (0)