Kết thúc đợt đăng ký xét tuyển đại học (ĐH) và cao đẳng sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết toàn hệ thống có trên 3,8 triệu nguyện vọng (NV) đăng ký trên gần 550.000 chỉ tiêu.
Sư phạm thăng hạng
Tỉ lệ (số đăng ký NV1/chỉ tiêu) cho thấy những ngành "hot" nhất, nhiều thí sinh đăng ký nhất năm nay là: An ninh quốc phòng (566,82%); báo chí và thông tin (311,65%); nghệ thuật (210,7%); du lịch khách sạn, dịch vụ cá nhân (201%); khoa học xã hội và hành vi (197,97%)... Đáng chú ý, ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên có tỉ lệ NV đăng ký đứng thứ 9, tăng hồ sơ so với các năm trước.
Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH năm 2021 tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP HCM) .Ảnh: TẤN THẠNH
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng so với nhiều ngành nghề khác, nhóm ngành đào tạo giáo viên trước đây có phần yếu thế, nguyên nhân là do sinh viên ra trường khó xin việc, thu nhập từ giảng dạy ở trường không cao... Những năm gần đây, trong khi sinh viên nhiều ngành khác phải tăng học phí do nhiều trường thực hiện tự chủ thì sinh viên sư phạm vẫn được miễn học phí.
Đặc biệt, từ năm nay, sinh viên sư phạm có thêm khoản sinh hoạt phí, được bảo đảm đầu ra sau tốt nghiệp, đặc thù công việc khá ổn định, số lượng đào tạo không nhiều là những yếu tố khiến nhóm ngành đào tạo giáo viên trở nên hấp dẫn. Nhìn tổng quan có thể thấy khi ngành sư phạm có những chính sách tốt thì nhiều thí sinh quan tâm, khi đó có cơ hội tuyển được những người giỏi.
Ông Đoàn Xuân Phong, giảng viên khối sư phạm Phân hiệu Ninh Thuận của Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho rằng tỉ lệ thí sinh đăng ký vào ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên cao bởi từ năm nay, chính sách nhà nước có thêm những ưu tiên cho sinh viên ngành sư phạm. Ngoài ra, nhu cầu tuyển thêm giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, chính sách xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngành sư phạm. Đặc biệt, tâm lý thí sinh muốn vào sư phạm vì muốn có công việc ngay tại địa phương, không xa nhà, ít cạnh tranh khốc liệt so với các ngành nghề khác.
Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cũng cho rằng từ khóa tuyển sinh năm nay, ngoài việc được miễn học phí, sinh viên sư phạm còn được cấp sinh hoạt phí hằng tháng nên đây cũng là yếu tố thu hút nhiều thí sinh vào sư phạm.
Băn khoăn đặt hàng đào tạo giáo viên
Ông Khang cho rằng đặt hàng đào tạo là cơ sở để sinh viên sư phạm nhận được khoản hỗ trợ sinh hoạt phí. Tuy nhiên, chính sách này có thể dẫn đến khó khăn cho các địa phương.
Trước tiên là khi cho sinh viên đăng ký chọn địa phương công tác sau tốt nghiệp thì những khu vực vùng sâu, vùng xa liệu có đủ số đăng ký theo nhu cầu tuyển dụng của địa phương. Đó là chưa kể trong 4 năm tới, nhu cầu tuyển dụng vào thời điểm sinh viên ra trường có thể sẽ thay đổi. "Nếu nhu cầu tuyển dụng không còn nhiều khi đăng ký nhu cầu thì địa phương có tuyển không hay sẽ đánh trượt trong kỳ thi tuyển công chức, viên chức, sinh viên không trúng tuyển có phải bồi hoàn kinh phí cho địa phương?" - ông Khang đặt vấn đề.
Ngoài ra, nếu sinh viên nhận hỗ trợ sinh hoạt phí của tỉnh này nhưng vì một lý do nào đó mà công tác ở tỉnh khác thì tỉnh này có trả tiền sinh hoạt phí cho sinh viên không, trong khi sinh viên phải bồi hoàn cho địa phương trước đây đã cấp sinh hoạt phí?
Từ những vấn đề trên, ông Khang cho rằng chính sách miễn học phí, cấp sinh hoạt phí chỉ nên là quy định. Để tránh lãng phí, sinh viên sư phạm tốt nhất vẫn phải trả học phí, sau này địa phương nào tuyển dụng thì phải trả chi phí đào tạo (học phí) và sinh hoạt phí theo quy định cho sinh viên. Địa phương nào cần thì phải có những chính sách tốt để thu hút.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng cho rằng nếu để sinh viên được chọn địa phương làm việc sau khi tốt nghiệp thì những vùng sâu, vùng xa sẽ rất khó tuyển được, dẫn đến thiếu giáo viên. Bởi lẽ, chính sách về lương của giáo viên hiện cũng như nhiều ngành nghề khác, trong khi giáo viên vùng sâu, vùng xa gần như không có cơ hội cải thiện thu nhập. Để có những sinh viên đăng ký làm việc ở vùng sâu, vùng xa thì khả năng phải hạ chuẩn đầu vào. Ngoài ra, việc xác định nhu cầu tuyển dụng cho 4 năm tới cũng khó bảo đảm về việc làm cho giáo viên bởi sự dịch chuyển dân cư, khi kinh tế địa phương khó khăn, người dân có xu hướng chuyển đến những TP lớn để tìm việc làm và mang theo gia đình, con cái.
Nên làm việc theo điều động
PGS- TS Nguyễn Kim Hồng cho rằng để tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên, ngành giáo dục cần tính đến cơ chế bổ nhiệm mang tính toàn quốc. Khi đó, sinh viên ra trường phải phụng sự công việc, chấp hành sự điều động đến làm việc ở những vùng sâu, vùng xa trong những năm nhất định.
Bình luận (0)