Bài viết trên tài khoản Facebook này có nội dung:
"Em là học sinh lớp 8A5, Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ. Em viết bài này vào ngày 31-10.
Ngày 27-10, em và bạn M. lớp 8A5 xảy ra tranh cãi tại trường vì bạn làm những hành động rất khó nhìn với em. Em lại hỏi bạn thì bạn bắt đầu làm những hành động có chủ ý bạo lực vào phần lưng em. Lúc đó em đi với bạn N. cùng lớp và bạn ấy đã đứng ra bênh em.
Tới ngày 30-10, cả nhà bạn M. đến nhà em và có những biểu hiện xô xát, đe dọa em trước mặt mọi người. Em rất sợ hãi vì nhà bạn rất đông còn nhà em chỉ có ông bà lớn tuổi. Mẹ bạn M. đã dùng rất nhiều từ ngữ không đúng đắn để chửi và hăm dọa em rất nhiều, kèm theo đó là những câu từ sai sự thật. Sau đó, mẹ bạn M. tiến lại gần và tác động lên phần mặt của em.
Qua ngày 31-10, em và bạn M. cùng giáo viên nhà trường có giải quyết vụ việc này. Theo em thấy, cô giải quyết khá thô sơ, không được công bằng cho em. Vì vụ việc đó, em đã bị nhà trường đuổi học 7 ngày và cũng rất bức xúc vì không hề biết lý do là gì. Còn bạn M. thì không bị nhận bất cứ hình phạt gì từ nhà trường.
Đoạn ghi âm và camera trích xuất tại nhà em cũng đã có. Em mong nhà trường có thêm đoạn camera manh mối thì hãy tiến hành điều tra vụ việc này... Em mong được đứng trước trường để phát biểu lời xin lỗi và sau đó, em xin phép sẽ không bao giờ cắp sách đến trường nữa"...
Dòng chia sẻ được cho là của em T.
Tối 31-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, cô Lê Thị Tuyết Nhung, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ, cho biết nhà trường đã nắm được sự việc trên. Tuy nhiên, sự thật không phải như những chia sẻ của em T. trên Facebook.
Theo cô Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A5 đã mời 2 học sinh và phụ huynh đến giải quyết. Sáng cùng ngày, cô họp bên phường nên không gặp được 2 em và phụ huynh. Vụ việc chưa đưa ra hội đồng kỷ luật, nhà trường chưa có biện pháp kỷ luật nào. Giáo viên chủ nhiệm chỉ trao đổi về hình thức kỷ luật mà T. và M. có thể sẽ nhận sau khi hội đồng kỷ luật họp vào sáng mai (1-11).
Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ cho biết T. là học sinh cá biệt ở trường, hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt. Em không có cha, mẹ bỏ đi nên ở với ông bà ngoại. Ông bà đã lớn tuổi, phải lo mưu sinh nên việc quan tâm chuyện học hành và các mối quan hệ ngoài xã hội của cháu cũng hạn chế.
Theo cô Nhung, T. nhiều lần mâu thuẫn, xích mích với bạn bè. Ở lứa tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi, lại bị bạn bè bên ngoài tác động nên mỗi lần xích mích với ai, T. lại hăm dọa, viết lên Facebook những lời rất thô lỗ.
Tháng 9-2023, khi vừa khai giảng năm học mới, T. đã gây gổ với các bạn trong lớp. Cũng như các lần trước đây, T. lại hăm dọa, lên giọng "đàn anh đàn chị". "Trong trường, T. khá "nổi tiếng", nhắc tới em là nhiều phụ huynh cũng thấy bất an" - cô Nhung nói.
Ngày 20-9, T. đánh 1 học sinh lớp 7 chỉ vì em này khi đi học thêm đã chụp hình với người bạn trai mà T. thích. Nhà trường lại tiếp tục giải quyết với các biện pháp răn đe. Đến ngày 27-10 thì xảy ra vụ việc như T. viết trên Facebook.
Theo cô Nhung, biết hoàn cảnh gia đình T, nhà trường chưa từng có ý định đẩy em ra khỏi trường. Nhà trường từng nhiều lần mời người nhà T. lên để cùng phối hợp để ý, giáo dục em. Nhà trường cũng từng trao đổi với gia đình, nếu T. có bị tạm dừng đến trường ít ngày thì thầy cô cũng sẽ trao bài vở về nhà để em không bị ngưng việc học.
"Chiều 31-10, sau khi ông ngoại T. đến trường, nhà trường mới biết những lần trước đây, bà ngoại giấu, không cho ông biết. Khi biết sự thật, chính ông đề nghị nhà trường cứ xử lý mạnh tay, kể cả tạm dừng đến trường một số ngày để T. có thời gian bình lặng suy nghĩ, nhận ra lỗi lầm của mình" - cô Nhung nói.
Bình luận (0)