Ngay khi được ban hành, thông tư này đã vấp phải sự phản đối của dư luận vì quy định không được phát tán thông tin bằng chứng vi phạm quy chế cho người khác dưới bất kỳ hình thức nào. Không lâu sau đó, ngày 1-3, Bộ GD-ĐT đã phải ban hành Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 04 do quy định nêu trên vi phạm Luật Khiếu nại tố cáo và cũng trái với tinh thần chống tiêu cực trong thi cử của chính bộ này!
Trong thời gian gần đây, trường hợp Bộ GD-ĐT vừa ban hành văn bản pháp quy nhưng sau đó lại sửa đổi hay sự bất nhất trước sau trong điều hành, quản lý không phải là hiếm. Chẳng hạn, Thông tư 57/2011 quy định các trường ĐH không được tuyển sinh đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp. Vậy mà không lâu sau đó, bộ lại cho phép các trường tuyển sinh đào tạo bậc học này nhưng có lộ trình. Với quy định về việc thí sinh được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi, bộ cũng phải liên tục ban hành 3-4 văn bản mới hoàn chỉnh… Điều đó cho thấy bộ sửa cái… đã đổi của chính mình!
Những văn bản vừa được ký chưa ráo mực đã phải sửa đổi hay những quy định gây khó cho các trường và người học cho thấy cách làm việc của Bộ GD-ĐT rất có vấn đề. Với bất kỳ lý do gì thì việc ban hành các văn bản pháp quy như trên cũng đều không thể chấp nhận được. Nó thể hiện sự yếu kém, thiếu trách nhiệm của cá nhân, của cơ quan ban hành văn bản. Sâu xa hơn, những văn bản trên bắt nguồn từ nếp nghĩ “cai trị” trong một số công chức. Trong suy nghĩ, họ tự cho mình cái quyền ban hành và áp đặt chứ không hề để ý quy định đó có phù hợp với cuộc sống hay không.
Những văn bản pháp quy cẩu thả như vậy không chỉ làm mất uy tín của Bộ GD-ĐT mà còn gây khó khăn trong công tác quản lý. Đáng tiếc là bộ chỉ mới sửa sai những văn bản cẩu thả ấy chứ chưa thấy cá nhân nào đứng ra chịu trách nhiệm hay bị xử lý kỷ luật.
Bình luận (0)