Trần Thị Kim Ngân, sinh viên năm nhất Khoa Tâm lý Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, từ Tây Ninh lên thành phố tìm phòng trọ từ trước khi nhập học. Cứ cách 1 tuần, Ngân lại lên TP HCM tìm chỗ trọ một lần, mỗi lần ở lại 2 ngày. Trước khi đi, Ngân lên mạng tìm hiểu, lưu lại hình ảnh những khu trọ gần trường, giá cả hợp lý và đạt tiêu chí mình mong muốn. Tuy nhiên, sau 3 lần đi đi về về, cô vẫn chưa tìm được chỗ trọ phù hợp.
Giá cao ngất ngưởng
Từ 6 giờ, Ngân cùng bạn bắt đầu xuất phát từ Tây Ninh. Đến TP HCM trời đã trưa, không kịp nghỉ ngơi, cô chạy xe dọc xa lộ Hà Nội, quanh khu vực Làng Đại học (TP Thủ Đức) tìm phòng trọ. Ghé vào một dãy nhà có ghi bảng "cho thuê phòng ở chung cư mini", Ngân được chủ trọ dẫn đi xem căn phòng 25 m², có tủ, giường, quạt, bếp.
Căn phòng “ký túc xá dịch vụ” chật hẹp, đồ dùng cá nhân phải kê dọc lối đi
"Họ báo giá 6 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền điện, nước, rác, quản lý và giữ xe. Em ở một mình nên giá đó khá cao. Em hỏi thêm phòng thấp hơn thì chủ nhà nói rằng thấp nhất ở đây là 5 triệu đồng/tháng và chỉ còn 2-3 phòng trống, phải tranh thủ đặt cọc thì mới có phòng" - Ngân kể.
Giá phòng chưa phù hợp túi tiền, Ngân lại tiếp tục tìm kiếm, lần này nhắm đến những khu xa trường. Cứ ngỡ xa trường giá sẽ "mềm" hơn nhưng đi đến gần 10 khu nhà trọ, Ngân vẫn chưa tìm được phòng bởi giá rẻ thì đã hết, những phòng còn lại thấp nhất cũng 3,5 triệu đồng/tháng.
Tìm đến tối muộn, Ngân về phòng trọ của một chị cùng quê ngủ tạm. Hôm sau, cô lại rong ruổi khắp các con đường, ngõ hẻm để tìm nhưng rồi lại trở về với sự thất vọng.
Gần đến ngày nhập học, Ngân phải nhờ chú ruột tìm giúp. May mắn, người chú tìm được một phòng trọ khoảng 15 m², chỉ đủ một người ở, không nội thất, nằm xa Làng Đại học với giá 1,5 triệu đồng/tháng; thêm tiền điện, nước và các loại chi phí khác thì khoảng 1,8 triệu đồng - số tiền gia đình cô có thể chi trả được.
Dãy trọ giá rẻ nằm xa trường, thưa thớt dân cư. Sau 21 giờ, đường vắng vẻ và nguy hiểm nên cô tân sinh viên đi học hoặc làm thêm phải tranh thủ về sớm.
Chấp nhận vì không có chỗ ở
Sinh viên năm nhất Huỳnh Nguyễn Mai Khanh (quê Bình Định) mỗi tháng được cha mẹ chu cấp khoảng 4 triệu đồng, gồm chi phí sinh hoạt và phòng trọ. Với số tiền đó, Khanh phải "cân đo đong đếm".
Ban đầu, Khanh dự tính ở ký túc xá của trường, song đến lúc đăng ký thì đã hết suất. Khanh tìm những khu trọ gần trường, với mục tiêu phòng có giá 1,5 - 2 triệu đồng nhưng suốt 1 tháng vẫn chưa có chỗ ở.
Không còn lựa chọn, cô chấp nhận thuê phòng trọ giá 3 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm các chi phí khác. Khanh phải làm thêm để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt, vì gia đình không thể chu cấp thêm.
Bùi Thị Tố Trinh là tân sinh viên một trường cao đẳng ở quận Bình Thạnh, TP HCM; được cha mẹ chu cấp mỗi tháng 3 triệu đồng. Vì giá phòng trọ tăng cao, cô lựa chọn ở "ký túc xá dịch vụ". Với mô hình này, Trinh ở cùng 7 bạn trong căn phòng chưa đến 25 m², 4 giường tầng kê sát nhau.
Dù hơi chật nhưng tiện ích của mô hình này khá đầy đủ, gồm máy giặt, máy lạnh, bếp, chăn, nệm... Mỗi người trả khoảng 1,6 - 1,8 triệu đồng/tháng, bao gồm chi phí điện, nước, wifi, rác, quản lý. Trinh cho rằng giá phòng cao hơn so với dự kiến nhưng tương đối phù hợp ở thời điểm này.
Trong khi đó, vất vả tìm kiếm phòng trọ cho con (thi đậu vào Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) suốt nửa tháng, chị Nguyễn Thị Thanh Lam (quê An Giang) vẫn chưa có phòng ưng ý. Tiêu chí chị đặt ra là an ninh, sạch sẽ, gần trường để con tiện đi lại. Nhưng vì lượng sinh viên kiếm chỗ trọ từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10 tăng cao, chị không thể tìm được phòng trống.
"Tôi có người bà con sinh sống tại TP HCM. Dù biết ở chung với họ hàng sẽ bất tiện nhưng không tìm được nơi trọ nên đành gửi con ở tạm. Hằng tháng, tôi trả tiền nhà, điện, nước để tâm lý của con được thoải mái" - chị Lam cho hay.
Theo Trung tâm Quản lý ký túc xá ĐHQG TP HCM, năm học 2022-2023, ký túc xá sẽ đón khoảng 38.000 sinh viên, trong đó 27.000 là sinh viên cũ, 11.000 tân sinh viên. Ký túc xá có 6 loại phòng: 2 loại thường và 4 loại dịch vụ, phòng cao nhất giá 1.345.000 đồng/tháng, có máy lạnh, rèm và chỉ 2 sinh viên/phòng.
Trung tâm Hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP HCM thông báo năm học này có hơn 500 sinh viên được ở ký túc xá của trường. Trường có 3 loại phòng, trong đó cao nhất là phòng dịch vụ với giá hơn 1,1 triệu đồng/tháng...
Thực tế, dù các trường đã nâng cao chất lượng và số lượng phòng song các ký túc xá vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu chỗ ở của sinh viên.
Yên tâm với chủ trọ tốt
Trần Đặng Quốc Kiệt, sinh viên năm 2 Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại (TP HCM), cho biết khi mới lên thành phố, anh ở trọ gần trường, giá phòng cao. Ở được 2 tháng, nhận thấy chủ trọ không tốt, anh liền chuyển đi.
Lần này, anh chấp nhận ở xa trường hơn 6 km, giá phòng phải chăng và chủ trọ rất tốt. Khi dịch COVID-19 bùng phát, đời sống sinh viên khó khăn, chủ trọ chủ động giảm 500.000 đồng/tháng, hỗ trợ thực phẩm và giúp đỡ những ai mắc COVID-19. "Khi gặp chủ trọ tốt, bạn và gia đình có thể yên tâm hơn" - Kiệt khẳng định.
Bình luận (0)