Điều đáng nói trong quy định về học phí mới của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch khiến nhiều thí sinh (TS) đã đăng ký nguyện vọng 1 vào trường ngỡ ngàng là mức học phí này (dù được thông báo là dự kiến) đã vượt trần theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021. Trong khi tháng 1-2018, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch mới được UBND TP HCM phê duyệt đề án tự chủ tài chính theo nhóm tự chủ tài chính toàn phần.
Có ngành lên tới 4,4 triệu đồng/tháng
Theo thông báo được đăng trên website của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, mức học phí dự kiến của năm học 2017-2018 cụ thể như sau. Giai đoạn I: Mức thu học phí từ tháng 9 đến hết tháng 12-2017 áp dụng cho tất cả các đối tượng, cụ thể: Đối với các sinh viên (SV) có hộ khẩu TP HCM, mức thu học phí là 1.070.000 đồng/SV/ tháng theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP thuộc nhóm trường ĐH chưa tự chủ tài chính toàn phần. Mức thu học phí SV không có hộ khẩu tại TP HCM dự kiến là 2.200.000 đồng/SV/tháng vì những SV này không được ngân sách TP cấp bù kinh phí đào tạo. Giai đoạn 2: Kể từ tháng 1-2018, sau khi trường được UBND TP phê duyệt đề án tự chủ tài chính theo nhóm tự chủ tài chính toàn phần, dự kiến mức thu học phí mới sẽ theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP (cho các trường ĐH thuộc nhóm 1), trong đó các ngành y đa khoa, răng hàm mặt… có mức học phí lên tới 4.400.000 đồng/SV/tháng.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch Ảnh: TẤN THẠNH
Như vậy, kể từ tháng 9 đến 12-2017, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vẫn thuộc nhóm trường chưa tự chủ tài chính, vẫn phải theo quy định về mức trần học phí của Nghị định 86. Theo Nghị định 86, mức học phí cao nhất đối với chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH đối với trường chưa tự chủ (tùy khối ngành), trong đó khối ngành y dược, mức học phí năm 2015-2016 là 880.000 đồng/SV/tháng, năm 2016-2017 là 970.000 đồng/SV/tháng và năm 2018-2019 là 1.180.000 đồng/SV/tháng.
Không những thông báo mức học phí tăng sốc, trường còn phân biệt 2 đối tượng SV có hộ khẩu TP và hộ khẩu tỉnh và lý giải đây là trường chịu sự quản lý trực tiếp của UBND TP HCM, những SV ở tỉnh không được ngân sách TP cấp bù kinh phí đào tạo. Theo một số chuyên gia giáo dục, ngoài tăng hơn so với khung quy định trần học phí, những chính sách về học phí phải thông báo ngay từ đầu năm, trong đề án tuyển sinh của trường. Thế nhưng, đến thời điểm này, khi kết quả tuyển sinh đã gần xong, trường mới công bố thì rất thiệt thòi cho các TS ở tỉnh.
Làm chính sách phải công bằng
GS-TS Võ Tòng Xuân, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường ĐH Nam Cần Thơ, nói theo nguyên tắc, trước khi TS đăng ký nguyện vọng vào các trường, nhà trường phải có trách nhiệm thông báo về mức học phí xem TS có đồng ý hay không. Không báo trước là một sự bất hợp lý. GS Xuân cũng cho rằng hiện nay, không phải tất cả SV ở TP HCM đều là con nhà khá giả và SV ở tỉnh đều nghèo, do vậy phân biệt mức học phí giữa hai đối tượng như trên là không hay. "Nên áp dụng mức học phí như nhau, trong quá trình đào tạo, thấy em nào khó khăn, học giỏi thì giúp đỡ. Làm chính sách thì phải công bằng, nhất là trường công lập vẫn phải có theo những quy định, không phải muốn thu sao thì thu" - GS Võ Tòng Xuân bày tỏ.
Theo TS Lê Nguyễn Đức Chính, Phó trưởng Khoa Y - ĐHQG TP HCM, chính sách tốt nhất là không nên phân biệt vùng miền. Áp dụng mức học phí cho các đối tượng SV như nhau là quá tốt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những trường thuộc quản lý của địa phương thì thực tế rõ ràng ngân sách của địa phương đó không thể kham nổi chi phí đào tạo của SV cả nước. Nếu có sự hỗ trợ kinh phí của các địa phương có SV đang theo học tại trường thì lý tưởng nhất, như cách một số trường y đang làm là đào tạo SV theo địa chỉ.
GS Võ Tòng Xuân cho rằng bản thân các trường ĐH đang rất mâu thuẫn. Trường nào cũng muốn tăng học phí để nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, tuyển giảng viên giỏi để thu hút SV. Thế nhưng, việc tăng học phí phải theo lộ trình thì không còn cách nào khác lại phải thu học phí từ SV. Nhưng cao quá thì SV không theo nổi, tội cho những SV không có điều kiện học tập.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng theo mức học phí khối các trường có đào tạo ngành sức khỏe, mức học phí mà Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch còn cao hơn trường công lập tự chủ tài chính và trường ngoài công lập. Chẳng hạn, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động) năm học 2017-2018, học phí là 18 triệu đồng/SV, bắt đầu từ năm học 2018-2019 là 19,2 triệu đồng/SV/năm và năm học 2019-2020 là 20,4 triệu đồng/SV/năm. Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (ngoài công lập) có mức học phí các ngành dược, điều dưỡng, y học dự phòng là 4 triệu đồng/SV/tháng. Còn tại các trường đạo tạo y dược công lập khác, mức học phí năm 2017-2018 vẫn áp dụng theo Nghị định 86, chỉ khoảng 10 triệu đồng/năm.
Quản trị ĐH phải có tầm nhìn
Một chuyên gia giáo dục tại TP HCM cho rằng ở góc độ quản trị ĐH, khi chuẩn bị kế hoạch, đề án tuyển sinh, học phí… phải thấy rõ được tác động đến các đối tượng thụ hưởng. Ngoài việc phải chuẩn bị chi tiết, có tầm nhìn, lộ trình thực hiện phải theo quy định. Những quyết định ban hành giữa chừng như việc tăng học phí mà SV không được biết trước như trên gây thiệt thòi rất lớn cho các em TS năm nay trúng tuyển vào trường.
Xem thêm: Cú sốc của 12.000 thí sinh Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Bình luận (0)