Mùa học mới, đọc thông tin sẽ tăng học phí bậc phổ thông là thêm một nỗi lo, một gánh nặng oằn thêm đôi vai. Nên những lo nghĩ của các bậc phụ huynh thật là chính đáng, cần được cảm thông. Trong đó, giáo viên (GV), những thầy cô cũng là người lao động đang miệt mài ngày đêm, vận dụng trí óc không ngừng để dạy dỗ học trò. Họ cũng cần được mọi người hiểu, để yêu thương họ và giúp đỡ họ hoàn thành công việc.
Tôi mong ước UBND TP HCM, Sở GD-ĐT thành phố làm một công trình nghiên cứu , khảo sát về đời sống của GV. Để làm thầy, học xong 12 năm phổ thông, thi tuyển vào trường ĐH sư phạm học 4 năm , tốt nghiệp lo cho được nhận đi dạy. Quãng đường dài cũng lắm truân chuyên. Về được trường, nhận lớp, lo dạy để được công nhận là GV chính thức. Đến lúc đó mới nhìn quanh mình và nhìn đồng lương khởi nghiệp bước vào đời sống xã hội của một con người, độc lập về tài chính về chuyện gia đình.
Người thầy dạy tiểu học phải toan tính, phải đắn đo và rồi phải mở lớp dạy kèm, dạy thêm giữa muôn trùng ràng buộc bủa vây về luật pháp, về dư luận... Người thầy bậc trung học cũng phải lo chuyện đến trung tâm luyện thi kiếm thêm chút đỉnh hay mở lớp bồi dưỡng với bạn bè . Nhưng các môn không tham dự thi tuyển thì không có ai đi học. Thế là kiếm việc làm thêm bằng chuyên môn của mình và cũng có thầy cô làm những việc không có dính dáng chút nào đến chuyên môn mà mình giảng dạy .
Tôi mong rằng tất cả tình cảnh này như một bức tranh cần được trình bày thật đầy đủ, thật rõ ràng để cho người dân nhìn thấy; để tất cả gia đình có con, mỗi sáng cắp cặp đến trường hiểu rõ và yêu thương thầy cô của con em mình nhiều hơn và san sẻ cùng nhau để xã hội học tập ngày càng tốt hơn. Giáo dục là quốc sách và người thầy phải được xã hội hiểu biết, tôn trọng hơn. Nhà nước cũng có một chính sách giáo dục cho đời sống người thầy khá hơn .
Khi còn đi làm, tôi được TP HCM cho phép đưa nhiều đoàn sang Singapore học tập. Tôi cũng được Bộ GD-ĐT tiếp và thuyết trình về giáo dục tiểu học. Họ cho biết là Singapore có thời kỳ khó tuyển học sinh (HS) tốt nghiệp trung học thi tuyển vào ĐH sư phạm, nhất là HS có năng khiếu về giảng dạy, trong đó có giáo dục tiểu học. Để thu hút học sinh tài năng làm GV, Bộ Giáo dục đã thực hiện nhiều chính sách như: Trường học bố trí phòng làm việc cho GV, mỗi GV có bàn, máy tính, kệ sách. GV soạn bài , chấm bài , liên hệ phụ huynh... ngay tại trường. Ngày học kết thúc, thầy cô sẽ thoải mái dạo phố, dạo chơi hoặc lo việc gia đình.
Trong trường có phòng dành cho GV thư giãn, lấy lại bình tĩnh khi có những chuyện xảy ra trong lớp học khiến GV nổi giận, nóng nảy. Hãy đến phòng này, tự pha ly cà phê hay trà, bật máy nghe nhạc cho đầu óc tỉnh táo, cho tinh thần nhẹ nhàng và nghĩ mình là người thầy đang dạy dỗ HS dù có em đang bướng bỉnh nghịch phá, lười học. Ngoài ra các trường tổ chức các buổi hội thảo, seminar để trao đổi học tập , cải tiến phương pháp dạy học...
Tôi nghĩ rằng thành phố cũng nên đề ra nhiều chính sách hỗ trợ GV. Như xây nhà bán cho GV khi lập gia đình cùng ngành có trợ giá và trả góp; xây bệnh viện cho GV khi mắc phải bệnh, nhất là bệnh nghề nghiệp; xây khu dưỡng lão cho GV lớn tuổi độc thân; thành lập trung tâm chăm sóc HS có nguy cơ hư hỏng; cải tiến trường học; tạo nhiều điều kiện giảng dạy và sinh hoạt cho GV...
Khi một người đã chọn nghề gõ đầu trẻ, trái tim và khối óc sẽ luôn hướng về HS thân yêu của mình, luôn vượt qua khó khăn , gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ nhưng nếu được sự hiểu biết, thương yêu và san sẻ và đãi ngộ thì người thầy sẽ dạy tốt hơn, có nhiều HS giỏi hơn và đất nước thêm nhiều tài năng được vun bồi dưới mái trường phổ thông.
Bình luận (0)