Dự kiến, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ cấp cho người học trong thời hạn tối đa không quá 4 năm (48 tháng) đối với người học tiến sĩ và không quá 2 năm (24 tháng) đối với người học thạc sĩ. Đối với đào tạo tại nước ngoài, học phí và các khoản có liên quan đến học phí tối đa không quá 25.000 USD/người (hoặc tương đương với đồng tiền của nước sở tại cho một năm học). Trong trường hợp mức học phí cao hơn mức 25.000 USD/năm thì mức chênh lệch học phí cao hơn do người học tự chi trả. Sinh hoạt phí cấp cho giảng viên học tiến sĩ theo Đề án 89 từ 390 - 1.300 USD/người/tháng tùy quốc gia mà nghiên cứu sinh theo học.
Tăng mức hỗ trợ cho giảng viên học tiến sĩ (ảnh minh họa). Ảnh: NLĐO
Cụ thể, mức sinh hoạt phí cao nhất là 1.300 USD/tháng với nghiên cứu sinh ở Mỹ, Canada, Anh và Nhật Bản. Tiếp đó là mức chi sinh hoạt phí cho nghiên cứu sinh theo Đề án 89 ở Úc và New Zealand với 1.120 USD/người/tháng. Thấp nhất là mức chi cho nghiên cứu sinh ở các nước thuộc khu vực Đông Nam Á với mức 390 USD/người/tháng.
Đối với phương thức đào tạo tiến sĩ tập trung toàn thời gian ở trong nước, bên cạnh học phí nộp cho các cơ sở đào tạo ở trong nước, người học được hỗ trợ kinh phí để thực hiện đề tài luận án, tham dự hội thảo, hội nghị ở trong nước. Cụ thể nhóm ngành y dược: 20 triệu đồng/người học/năm; nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ; nông, lâm, thủy sản, thể dục thể thao, nghệ thuật: 18 triệu đồng/người học/năm; nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật; khách sạn, du lịch và nhóm ngành khác: 13 triệu đồng/người học/năm. Hỗ trợ trong thời gian học tại cơ sở đào tạo (không quá 4 năm).
Đối với hỗ trợ kinh phí để người học đăng bài báo khoa học quốc tế, tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế và đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài, dự thảo nêu rõ ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% phí công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học và công nghệ uy tín quốc tế thuộc danh mục Web of Science theo mức thông báo của tạp chí khoa học và công nghệ quốc tế với tư cách là tác giả chính hoặc tác giả liên hệ.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, điểm mới của Đề án 89 khác các đề án trước là kinh phí hỗ trợ được cấp trực tiếp cho người học, trừ học phí của cơ sở đào tạo ở nước ngoài được chuyển thẳng cho cơ sở đào tạo. Theo bà Thủy, những yêu cầu ràng buộc trách nhiệm của người học và của cơ sở cử đi nhiều hơn, nếu mức hỗ trợ không tăng lên thì không thể thu hút được ứng viên tham gia tuyển chọn, dẫn đến khó có thể nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước.
Theo dự kiến, nhóm người học đầu tiên được cấp học bổng theo đề án có thể bắt đầu từ tháng 2-2022.
Bình luận (0)