Một giờ học ngữ văn của học sinh lớp 11
PGS Đỗ Ngọc Thống, chủ biên chương trình môn ngữ văn của chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết tiếp thu ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu và các thầy, cô giáo, ban xây dựng chương trình ngữ văn mới đã điều chỉnh theo hướng tăng số lượng các tác phẩm bắt buộc.
Cụ thể, dựa vào 9 tác gia và các tác phẩm được học trong chương trình và sách giáo khoa (SGK) hiện hành, ban xây dựng chương trình lựa chọn và bổ sung một số tác phẩm có vị trí quan trọng, tiêu biểu cho thành tựu văn học dân tộc qua các giai đoạn. Các tác phẩm chia thành 3 cấp độ gồm tác phẩm bắt buộc (tác giả SGK và giáo viên bắt buộc thực hiện theo quy định của chương trình); tác phẩm tự chọn bắt buộc (tác giả SGK bắt buộc lựa chọn trong số tác phẩm cùng cấp độ theo quy định của chương trình); tác phẩm tự chọn (tác giả SGK tự lựa chọn theo gợi ý của chương trình).
Như vậy, sau khi tiếp thu ý kiến góp ý, ở lần điều chỉnh này ban xây dựng chương trình đã bổ sung nhóm các tác phẩm tự chọn bắt buộc.
Danh mục các tác phẩm bắt buộc ở tất cả SGK được giữ nguyên, gồm: Nam quốc sơn hà tương truyền của Lý Thường Kiệt; Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn; Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi (có bài khái quát về đọc tác gia Nguyễn Trãi); Truyện Kiều của Nguyễn Du (có bài khái quát về đọc tác gia Nguyễn Du); Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu; Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh (có bài khái quát về đọc tác gia Hồ Chí Minh).
Các tác phẩm tự chọn bắt buộc đưa ra yêu cầu đối với các tác phẩm văn học dân gian như sau:
- Chọn ít nhất 4 tác phẩm trong các truyện sau: Sơn Tinh Thủy Tinh, Bánh chưng bánh giầy, Thánh Gióng, Thạch Sanh, Em bé thông minh, Cây khế, Ếch ngồi đáy giếng, Thầy bói xem voi, Lợn cưới áo mới; Đẽo cày giữa đường.
- Chọn ít nhất 3 bài ca dao về các chủ đề: ca dao phong cảnh quê hương đất nước; ca dao tình yêu, tình cảm gia đình; ca dao hài hước, châm biếm.
- Chọn ít nhất 1 tác phẩm trong các sử thi sau: Đăm Săn, Đẻ đất đẻ nước, Xinh Nhã.
- Chọn ít nhất 1 tác phẩm trong các truyện thơ sau: Sống chụ son sao, Tiếng hát làm dâu.
- Chọn ít nhất 1 kịch bản chèo hoặc tuồng trong các tác phẩm sau: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nham (chèo); Nghêu Sò Ốc Hến, Trương Đồ Nhục, Trương Ngáo (tuồng).
Với các tác phẩm văn học viết, chọn ít nhất 1 tác phẩm của mỗi tác giả sau đây:
- Thuật hứng (số 24), Thư lại dụ Vương Thông, Ngôn chí (số 20), Bảo kính cảnh giới (số 43) của Nguyễn Trãi.
- Độc Tiểu Thanh ký, Long thành cầm giả ca, Phản chiêu hồn của Nguyễn Du.
- Tự tình 2, Mời trầu, Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương.
- Lục Vân Tiên, Chạy Tây, Ngóng gió Đông của Nguyễn Đình Chiểu.
- Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh, Ông Nghè tháng Tám, Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến.
- Mộ, Vọng nguyệt, Cảnh khuya, Nguyên tiêu, Thuế máu, Tinh thần yêu nước của nhân dân ta của Hồ Chí Minh.
- Chí Phèo, Đời thừa, Sống mòn, Đôi mắt của Nam Cao.
- Số đỏ, Cơm thầy cơm cô của Vũ Trọng Phụng.
- Vội vàng, Đây mùa thu tới, Nguyệt cầm, Thơ duyên của Xuân Diệu.
- Từ ấy, Khi con tu hú, Việt Bắc, Lượm, Mẹ Tơm, Ta đi tới của Tố Hữu.
- Vũ Như Tô, Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng.
- Chữ người tử tù, Cô Tô, Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân.
Nhóm các tác phẩm tự chọn sẽ được ban xây dựng chương trình công bố cụ thể.
PGS Đỗ Ngọc Thống nói thêm những thay đổi này sẽ được ban xây dựng chương trình ngữ văn chuẩn bị trình Hội đồng Thẩm định quốc gia vào cuối tháng 4 này. Sau khi thẩm định, ban soạn thảo sẽ tiếp tục chỉnh sửa theo kết luận của hội đồng trước khi đưa vào triển khai.
Bình luận (0)