Hội nghị Triển khai Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (GD) ĐH (Nghị định 99/2019/NĐ-CP) được tổ chức trực tuyến ngày 6-1 tại 6 đầu cầu truyền hình: Hà Nội, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ.
Hội đồng trường phải thực quyền
Luật GDĐH sửa đổi (Luật 34) có một quy định đặc biệt được quan tâm, đó là những việc trước đây mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) hay bộ chủ quản chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp thì nay phân cho cơ sở ĐH thông qua cơ chế giao quyền cho hội đồng trường (HĐT). Như vậy, HĐT sẽ có thực quyền và là yếu tố cốt lõi để đẩy mạnh tự chủ GDĐH. Việc này được kỳ vọng sẽ nâng chất GDĐH Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, HĐT phải thực quyền, thì Luật 34 và Nghị định 99 mới đi vào cuộc sống. Hiện nhiều lý do mà HĐT tại nhiều cơ sở GDĐH chưa thực quyền nhưng tới đây tình trạng này cần chấm dứt.
GS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, phát biểu tại hội nghị Ảnh: THU HÀ
Trên thực tế, việc triển khai HĐT đang còn nhiều vướng mắc. PGS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho hay trường ĐH này hiện chưa có HĐT và đang chuẩn bị thực hiện theo đúng quy định. Theo PGS Diệu, trường tư thục có 3 thành phần gồm nhà đầu tư, thành viên trong trường (đại diện giảng viên và người lao động) và thành viên ngoài trường. Trong đó, nhà đầu tư quyết định đầu vào và thành viên ngoài trường cũng do hội nghị của nhà đầu tư quyết định. Tuy nhiên, theo PGS Diệu, trong hướng dẫn triển khai, cơ quan quản lý trực tiếp đương nhiên là thành viên ngoài trường trong HĐT, vậy có đúng?
Ông Nguyễn Tiến Công, Chủ tịch HĐT Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho hay HĐT này đã quyết định thành lập từ ngày 6-12-2019 nhưng việc tính thời gian của nhiệm kỳ HĐT và theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng hay không vẫn là một câu hỏi. HĐT hoạt động đến hết nhiệm kỳ, có nhiệm vụ quyết định nhân sự hiệu trưởng và các nhân sự khác theo quy định. Nhưng hiện trường đã có hiệu trưởng thì trường có phải thực hiện quyết định hiệu trưởng này không? PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cũng bày tỏ sự băn khoăn khi trường nằm trong hệ thống của ĐHQG TP HCM, vậy các thành viên của HĐT ĐH và hội đồng ĐH có trùng nhau hay không? Ông Phúc cũng đặt câu hỏi khi chuyển từ trường ĐH thành ĐH thì quan hệ quản lý giữa ĐH trước đây và trường ĐH được chuyển sẽ như thế nào?
Trước hàng loạt thắc mắc này, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT, cho hay các nội dung quy định trong Luật 34 và Nghị định 99 đã hướng dẫn rất chi tiết những vấn đề liên quan tới HĐT. Các trường cần căn cứ luật và nghị định để thực hiện cho đúng quy định về nhiệm kỳ của hiệu trưởng theo nhiệm kỳ HĐT. Bà Phụng cũng khẳng định khi các trường được tự chủ thì căn cứ vào điều kiện của mình để thực hiện các nội dung của Nghị định 99.
Xử lý nghiêm các trường vi phạm
Liên quan đến tự chủ trong tuyển sinh, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đặt vấn đề công tác tuyển sinh của các trường ĐH, phải bảo đảm mức chuẩn; nếu không, sẽ làm giảm chất lượng đào tạo ĐH. Trước băn khoăn về chất lượng đầu vào của các trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh theo quy định, năng lực tự chủ thấp mà thực hiện quyền cao hơn thì sẽ bị siết lại. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo sửa đổi bổ sung để trình Chính phủ ban hành Nghị định 138 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Đồng thời, bộ này đang rà soát xây dựng các văn bản, trong đó có quy chế đào tạo theo tinh thần Luật 34, Nghị định 99 là quy chế tuyển sinh, quy chế quản lý ĐH; quy chế tuyển sinh thạc sĩ và tiến sĩ. Việc này để tạo ra hành lang pháp lý mạch lạc, bớt quy định mang tính hành chính, riêng lẻ từng vấn đề. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định Luật số 34 mở rộng quyền tự chủ của các trường rất cao, trong đó gắn chặt trách nhiệm giải trình.
Đối với những cơ sở GDĐH vi phạm, người đứng đầu ngành giáo dục cho hay bộ này sẽ phối hợp cùng Bộ Công an xử lý nghiêm, để từng bước khắc phục tình trạng một số trường chất lượng kém, chất lượng không bảo đảm nhưng lại thực hiện việc đào tạo. Liên quan đến đào tạo và cấp văn bằng 2 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã phối hợp Bộ Công an xử lý rất nghiêm vấn đề này. "Sẽ yêu cầu các trường phải xây dựng bộ cơ sở dữ liệu công khai, công khai hồ sơ sinh viên, công khai kết quả tốt nghiệp... để Bộ GD-ĐT và cơ quan khác giám sát. Điều này sẽ khắc phục tình trạng bằng giả" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Bình luận (0)