ThS Phạm Quang Huân, Viện Nghiên cứu sư phạm Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nêu thực tế: Thế hệ những GV tuổi 40 rất đa dạng về nguồn đào tạo nên chuẩn hóa nghề nghiệp không được đồng đều. Nếu GV không cập nhật những kiến thức mới thì trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, người thầy sẽ thụt lùi. Tuy nhiên, thực trạng bồi dưỡng GV hiện nay hiệu quả rất thấp. “Hàng trăm GV xếp vào một hội trường chật chội nên mỗi lần bồi dưỡng chỉ là dịp để họ gặp mặt, hỏi thăm nhau” - ông Huân cho biết.
Trong một khảo sát bỏ túi của ThS Vũ Thị Thu Huyền, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP HCM, về thực trạng công tác tự bồi dưỡng của GV tiểu học hiện nay cho thấy trong số 849 phiếu khảo sát thông tin có 749 (tương đương 88,2%) ý kiến cho rằng việc tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của GV là nhiệm vụ thường xuyên, có tính tự giác; 8,7% ý kiến lại cho biết việc tự bồi dưỡng là yêu cầu bắt buộc của các cấp quản lý. Kết quả trên phản ánh vẫn còn một bộ phận GV cho rằng họ chỉ thực hiện công tác tự bồi dưỡng khi gặp khó khăn về chuyên môn hoặc theo yêu cầu của lãnh đạo nhà trường.
Nhiều GV phổ thông biết việc tự học, tự nghiên cứu là rất quan trọng nhưng bị giới hạn bởi một rừng sổ sách, yêu cầu sáng kiến, thao giảng, dự giờ, hồ sơ; có GV phải đi dạy thêm để kiếm sống… khiến việc tự học đi vào ngõ cụt rồi bị cơm áo, gạo tiền cuốn đi.
Theo PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP HCM, trong hoàn cảnh bộn bề công việc của một người thầy như hiện nay, yếu tố quan trọng là GV phải nhận thức được sự cần thiết và lợi ích của việc tự học, từ đó mới có quyết tâm. “Vì tự học, tự đào tạo là con đường phát triển nội lực của mỗi người. Mà chỉ có con đường phát triển bằng nội lực thì mới hiệu quả, vững chắc” - ông Oanh cho biết.
Bình luận (0)