“Năm trước cả gia đình tôi về quê ăn tết. Hai tuần ở quê thoải mái, sung sướng, hạnh phúc bao nhiêu thì khi quay lại TP vất vả, khổ sở bấy nhiêu” - chị Lê Thanh Hà, phường Bình Trưng Tây, quận 2, TP HCM, mở đầu câu chuyện tết.
Từ chơi dài đến... ngáp dài
Theo lời chị Hà, cả năm vợ chồng, con cái mới về Hải Dương thăm bà con một lần nên những ngày tết không đi thăm nhà người thân thì gia đình chị cũng phải ở nhà tiếp khách. Hai con trai chị phải “trực chiến” đúng theo phép tắc ở quê. Với quan niệm cho con được vui chơi thoải mái trong những ngày tết nên chị Hà cho các con được tự do ăn, ngủ, nghỉ. Mùa đông lạnh giá, cộng với việc ngủ trễ nên cứ 9 giờ 30, 10 giờ con chị mới chui ra khỏi giường.
“Cả nhà về lại Sài Gòn hôm trước thì hôm sau ba mẹ đi làm, con đi học. 7 giờ sáng, hai con trai vẫn ngủ miệt mài, kêu, gọi không ăn thua, tôi mở nhạc rock thật to chúng vẫn ngủ. Tôi lấy khăn lau mặt, hai đứa vẫn không mở mắt. Nhìn đồng hồ thấy sắp trễ giờ làm của ba mẹ, trễ giờ học của con, thế là tôi và ông xã ẵm hai con vào nhà tắm thay đồ, đánh răng... Nhưng rồi khi ẵm được hai đứa lên xe thì chúng gục vào vai mẹ ngủ tiếp. Xe chạy đến trường rồi mà con vẫn cứ mắt nhắm mắt mở, không chịu bước xuống xe. Tôi phải ẵm cháu vào lớp học rồi lấy khăn ướt lau mặt nhiều lần cho tỉnh ngủ” - chị Hà vừa kể vừa lắc đầu.
Tương tự, chị Nguyễn Thủy, quận 4, TP HCM, cho biết: “Thời gian nghỉ tết ai nỡ bắt con cái học hành. Tuy nhiên, sau khi vui chơi suốt hai tuần xong, đến khi trở lại trường thì con bảo “không muốn đi học, con muốn ở nhà chơi tết”. Giải thích thế nào bé cũng không chịu ôn bài và không chịu chuẩn bị đồ dùng học tập để đi học. Mẹ phải xem thời khóa biểu để chuẩn bị giúp con nhưng cuối cùng vẫn thiếu. Cô giáo mắng vốn sau tết bé không chịu học, kiến thức quên trước quên sau, giờ học ngáp ngắn ngáp dài...”. Chị Thủy kết luận: “Năm nay phải thay đổi! Không cho bé thoải mái như năm trước nữa”.
Chuẩn bị tâm thế đi học
“Những ngày Tết Nguyên đán có gia đình cho con đi du lịch xa, có gia đình về quê, có người đi thăm thú, chúc tết người thân... Do vậy giờ ăn, giờ ngủ, sinh hoạt đảo lộn hoàn toàn so với ngày thường. Nếu thời gian biểu ấy cứ lặp đi lặp lại thì trẻ sẽ quen với nếp ấy” - cô Nguyễn Thị Kim Ân, hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Bình Trọng, quận 5, nhận định.
Cô Ân đưa ra lời khuyên: “Nếu phụ huynh cho con em đi chơi xa thì nên về nhà trước khi trẻ đi học ba ngày. Trong ba ngày này, cha mẹ bắt đầu rèn bé từ từ theo đúng nếp sinh hoạt của những ngày đi học. Ví dụ: ngày đầu tiên bé ngồi vào bàn học 20 phút để đọc lại bài hay viết vài câu văn, thơ, làm một bài toán. Sang ngày thứ hai thời gian có thể tăng lên, ngày thứ ba tăng thêm nữa để ngày thứ tư bé vui vẻ đến trường. Trong những ngày này, phụ huynh cũng nên quan tâm hơn đến việc ăn ngủ của bé. Tránh tình trạng bé bị rối loạn tiêu hóa hoặc ngủ quá trễ, đến ngày đi học không dậy sớm được”.
Đối với học sinh bậc trung học, cô Nguyễn Thị Chúc, hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh, thông tin: “Dù trước tết các thầy cô giáo đã dặn dò kỹ lưỡng nhưng sau tết vẫn có học sinh đi học trễ vì đã quen dậy trễ trong dịp tết. Có em bệnh không đi học được do vui chơi quá đà, ăn uống thất thường”.
Cô Chúc cho rằng: “Trong những ngày 30, mồng 1, 2, 3 tết phụ huynh nên cho các em học sinh được vui tết theo đúng phong tục tập quán của nhân dân ta. Những ngày ấy, các em không phải lo lắng bài vở, không phải học hành. Mặc dù vậy đến mồng 5 hoặc 6 theo tục xưa của ông cha ta là sẽ khai bút đầu xuân để con trẻ học hành đỗ đạt, may mắn trên con đường học vấn. Tôi nghĩ đến ngày này phụ huynh nên cho con em ngồi vào bàn học ôn lại bài vở từ từ cho đến ngày đi học chính thức”.
Chuẩn bị tâm thế cho con
Ngày tết con trẻ được nghỉ dài ngày, cả ba mẹ và các con nên ngồi lại với nhau cùng lên kế hoạch gia đình sẽ làm gì, đi đâu, vào thời điểm nào... Tùy lứa tuổi, tính tình, giới tính của con em mà phụ huynh sẽ điều phối kế hoạch chơi tết sao cho trẻ giữ được sức khỏe nhưng vẫn cảm thấy thú vị và bổ ích. Việc phân bố và quản lý thời gian một cách hợp lý tức là trẻ không thể bỏ bữa ăn và vẫn phải ngủ đúng giờ.
Ngày tết, trẻ không phải học hành căng thẳng nhưng vẫn phải giữ nếp giờ ngủ, giờ ăn. Nếu cho thoải mái ăn ngủ thì các em sẽ quen với nếp mới. Thời gian sau tết sẽ rất khó điều chỉnh để quay trở lại nếp cũ (thế nên có nhiều bé khi đi học lại sau tết thường uể oải, mệt mỏi). Sau tết, ba mẹ phải nhắc con: “còn ba ngày nữa con sẽ đi học lại”, “còn hai ngày nữa”, “một ngày nữa” để con em chuẩn bị tâm thế đến trường.
Th.S Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TP HCM)
Bình luận (0)