Dự luật được quan tâm là dự án Luật Giáo dục đại học vì có những vấn đề căn bản để nâng cao chất lượng đào tạo.
Nhấn mạnh đến chất lượng giáo dục
Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TPHCM trong giờ thực hành. Ảnh: HỒNG THÚY
Nhưng theo đánh giá của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, dự thảo Luật Giáo dục đại học chưa thể chế hóa rõ ràng một số chủ trương, chính sách lớn, chưa giải quyết thấu đáo, triệt để một số vấn đề quan trọng của giáo dục đại học. Cụ thể là vấn đề phân tầng các cơ sở giáo dục đại học, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học, cơ chế chính sách đối với các trường…
Trong văn bản thẩm tra luật, ủy ban này yêu cầu Chính phủ sửa đổi, bổ sung để thể hiện quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý giáo dục đại học, đẩy mạnh trao quyền tự chủ cho các trường tự quyết định những vấn đề chuyên môn cụ thể thuộc phạm vi hoạt động của mình. Bộ GD-ĐT chuyển vai trò từ kiểm soát sang giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Như vậy sẽ xóa bỏ dần cơ chế xin – cho và bộ không còn làm thay trường.
Trước thực trạng bất cập của giáo dục đại học là số lượng trường và sinh viên tăng không ngừng nhưng đội ngũ giảng viên lại thiếu trầm trọng, cử nhân đào tạo cử nhân, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng yêu cầu phải quy định trình độ chuẩn của giảng viên đại học phải có trình độ thạc sĩ trở lên. Chỉ những trường mới thành lập hoặc ở địa bàn khó khăn mới cho phép tạm tuyển một tỉ lệ nhất định cử nhân dạy cử nhân trong một thời gian nhất định.
Vàng, ngoại tệ không được bảo hiểm
Theo tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi do Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Nguyễn Văn Bình trình bày trước QH, chỉ thực hiện bảo hiểm tiền gửi đối với chủ thể là cá nhân. Theo pháp luật hiện hành, còn có thêm các chủ thể khác được bảo hiểm tiền gửi là hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp doanh.
Lý do đưa ra đề xuất như trên, theo Thống đốc NH Nhà nước là nếu bảo hiểm tiền gửi cho các tổ chức nói trên sẽ không phù hợp với mục tiêu bảo vệ những người gửi tiền nhỏ lẻ, thiếu thông tin. Vì tiền gửi của các tổ chức luôn mang tính luân chuyển cao, chủ yếu nhằm mục đích thanh toán chứ không nhằm mục đích gửi tiền tiết kiệm. Loại tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng VNĐ của cá nhân, không bảo hiểm đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý.
Đẩy nhanh tiến độ làm luật kinh tế Chiều 2-11, trong phiên thảo luận tổ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII, nhiều đại biểu (ĐB) QH đề nghị tập trung đẩy nhanh tiến độ làm luật kinh tế để theo kịp diễn biến thực tế. ĐB Trần Thanh Hải (TPHCM) đề xuất đưa Luật Phá sản (sửa đổi) vào chương trình chính thức vì trong thực tiễn có tình trạng doanh nghiệp “chết không được chôn” do vướng luật. Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp phá sản ngày càng nhiều, có những doanh nghiệp thua lỗ, chủ doanh nghiệp bỏ trốn nên cần có cơ sở pháp lý để làm thủ tục phá sản. Cũng cần đưa Luật Lương tối thiểu vào chương trình chính thức vì mức lương tối thiểu hiện nay còn thấp, là nguyên nhân dẫn đến các cuộc tranh chấp giữa người lao động và giới chủ trong thời gian gần đây. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đề xuất cần có luật quản lý đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước. Trong khi đó, một số luật có trong chương trình chính thức như Luật Thư viện, Luật Du lịch (sửa đổi) được đa số ĐB cho rằng nên đưa vào chương trình trù bị vì chưa cấp thiết. Dự kiến nhiệm kỳ khóa XIII sẽ thông qua 96 luật và pháp lệnh, trong đó có 47 luật và pháp lệnh sửa đổi. Nhiều ĐBQH đánh giá con số sửa đổi chiếm gần 50% chứng tỏ chất lượng làm luật thiếu chuyên nghiệp, chất lượng chưa cao và luật không đi vào cuộc sống.
P.Anh |
Bình luận (0)