Đề thi trắc nghiệm thường ra kiến thức rất rộng nên khi làm bài, thí sinh nên làm nhanh và theo nhiều lượt. Lượt thứ nhất có thể trả lời nhanh từ 30% - 50% số câu hỏi tùy khả năng; lượt thứ hai, thứ ba… suy nghĩ để trả lời những câu còn lại. Quá trình thực hiện các lượt kế tiếp cũng cần hết sức khẩn trương vì thời gian dành cho mỗi câu rất ngắn.
Khi làm bài thi trắc nghiệm, thí sinh cần đọc hết các câu hỏi, cả phần dẫn và bốn lựa chọn A, B, C, D để chọn phương án đúng. Sau đó, dùng bút chì tô kín ô tương ứng với chữ cái được chọn. Chẳng hạn, thí sinh đang làm câu 3, chọn B là phương án đúng thì tô đen ô có chữ B trên dòng có số 3 của phiếu trả lời trắc nghiệm.
Trong lúc thi, yếu tố quan trọng nhất vẫn là xử lý cẩn thận các câu hỏi mà đề thi yêu cầu. Những câu liên quan đến vận dụng công thức để tính toán cần phải xem kỹ đơn vị, ký hiệu... Đối với các câu hỏi có kết quả gần giống với đáp án thì lưu ý phải tính toán thật cẩn thận để không chọn nhầm. Những câu hỏi khó, còn phân vân, thí sinh nên sử dụng phương án loại trừ. Sau khi loại trừ 2 phương án sai rồi mà vẫn còn phân vân thì nên tô phương án nào có xác suất đúng nhiều hơn.
Dù thi tự luận hay thi trắc nghiệm, thí sinh cũng nên tận dụng thời gian thi để đọc lại, dò lại kết quả làm bài của mình, xem thử chỗ nào còn đánh nhầm hoặc chưa tô hay không. Để tiết kiệm thời gian, tốt nhất là nên dò lại những câu còn phân vân giữa hai phương án. Một điều lưu ý đối với tất cả các bài thi trắc nghiệm là thí sinh nên trả lời tất cả các câu. Nếu như sắp hết giờ làm bài mà chưa làm xong thì không được bỏ trống bất cứ câu nào, cứ tô hết các câu. Bởi vì mỗi câu được tô sẽ có xác suất 25% là đáp án đúng.
Tóm lại, thời gian dành cho từng câu hỏi khi thi trắc nghiệm là khá ít (thường từ 1-2 phút/câu). Để đạt kết quả cao nhất, ngoài việc nắm vững kiến thức, khi làm bài thi thí sinh nên vận dụng tất cả những kỹ năng trên đây.
Bình luận (0)