Lễ kỷ niệm 30 năm Giải thưởng Kovalevskaia - giải thưởng cho các nhà khoa học nữ xuất sắc thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên - đã diễn ra ngày 6-3 tại Hà Nội. TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo (SN 1967, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM) và PGS-TS Đặng Thị Cẩm Hà (SN 1952, nguyên Trưởng Phòng Công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã vinh dự nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2015.
Đấu tranh giành sự sống cho bệnh nhân
Con đường đến với ngành y của TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo bắt đầu từ một sự cố lớn trong cuộc đời. Khi còn là học sinh, bà đã chứng kiến bà ngoại mình quằn quại trong cơn đau cuối đời vì căn bệnh ung thư di căn giai đoạn cuối. Từ đó, cô nữ sinh luôn nung nấu trong đầu phải thi vào trường y để chữa bệnh cứu người.
Những năm dài Thảo học trường y, gia đình nằm ở khu vực quy hoạch giải tỏa nên đời sống rất chật vật. Mẹ bán cơm, cha làm tài xế xe thư báo nên ngoài giờ học, cô phụ mẹ bán cơm từ tờ mờ sáng, nuôi heo, bán hàng cho hợp tác xã bách hóa… Khó khăn là vậy song cô vẫn đạt học bổng rồi ra trường với tấm bằng loại giỏi.
Sau khi về Bệnh viện Chợ Rẫy, BS Thảo được phân công làm việc tại Khoa Săn sóc đặc biệt (ICU). Bà bắt đầu từ những nghiên cứu nhỏ mang tính ứng dụng như: khảo sát yếu tố nguy cơ viêm phổi tại ICU, nhận xét các trường hợp sốc phản vệ tại Khoa Hồi sức cấp cứu, hiệu quả của thuốc giãn phế quản trên bệnh nhân hen phế quản nặng thở máy…
Suốt 25 năm cống hiến trong ngành, TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo đã dành nhiều thời gian nghiên cứu khoa học. Trong đó, bà có 2 đề tài cấp nhà nước: “Lọc máu hiện đại điều trị cấp cứu một số bệnh” với nhánh “Hiệu quả lọc máu liên tục trong sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng” và “Ghép thận trên bệnh nhân tim ngừng đập”, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Đặc biệt, kỹ thuật lọc máu hiện đại đã mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh và được chuyển giao cho các bệnh viện tuyến tỉnh.
Chứng kiến sự đau đớn, khổ sở của bệnh nhân hằng ngày, nữ bác sĩ này luôn khát vọng cải thiện những gì hiện có để họ được chăm sóc tốt hơn. Bà tâm niệm: “Phải coi bệnh nhân như người thân, ruột thịt”. Ngoài thời gian vùi đầu nghiên cứu khoa học, BS Thảo còn rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Bà thường xuyên có mặt trong những chuyến đi khám bệnh từ thiện cho người dân nghèo vùng khó khăn.
Túc trực ở những điểm nóng dioxin
Khác với TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo, PGS-TS Đặng Thị Cẩm Hà đã trải qua quá trình đào tạo dài ở nước ngoài. Bà tốt nghiệp Trường ĐH Tổng hợp Azerbaijan (Liên Xô) chuyên ngành sinh học năm 1975, sở hữu bằng tiến sĩ sinh học tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary...
Sau 10 năm tu nghiệp, đến năm 1995, bà về nước công tác tại Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam. Hơn 20 năm nghiên cứu khoa học, PGS-TS Đặng Thị Cẩm Hà đã chủ nhiệm gần 30 đề tài, dự án, nhánh đề tài...; công bố hơn 160 công trình khoa học công nghệ trong và nước ngoài. Bà chủ yếu nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, tập trung nhiều nhất vào công nghệ sinh học môi trường.
Không bỏ lỡ một giây phút nào cho nghiên cứu, đến nay, PGS Hà cùng đồng nghiệp đã sở hữu 7 bằng sáng chế và giải pháp hữu ích; 5 sáng chế khác đã được chấp nhận thuộc các lĩnh vực công nghệ sinh học môi trường, nguồn gien di truyền từ thiên nhiên Việt Nam; các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng.
Theo PGS-TS Đặng Thị Cẩm Hà, bà tự hào nhất chính là nghiên cứu thành công công nghệ xử lý đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin bằng phương pháp phân hủy sinh học. Công trình này được thực hiện tại các điểm nóng Đà Nẵng và Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) trong 10 năm. Đánh giá của hội đồng độc lập cấp nhà nước cho thấy đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin tại sân bay Biên Hòa được làm sạch với lượng dioxin dưới mức cho phép với đất sản xuất nông nghiệp.
Chấp nhận đối mặt nguy cơ bị phơi nhiễm dioxin, ngay sau những lần tiếp xúc trực tiếp với hóa chất này, bà Hà và các đồng nghiệp đã phải uống nước gạo rang cháy hoàn toàn thành carbon để loại bỏ phơi nhiễm.
PGS-TS Đặng Thị Cẩm Hà cho rằng phụ nữ làm khoa học vất vả hơn đàn ông rất nhiều. Song, nếu có sự đồng lòng, chia sẻ của gia đình thì mọi thứ đều có thể hoàn thành tốt. Luôn tâm niệm mình vẫn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp hy sinh ở chiến trường nên khi tu nghiệp trở về nước, bà dốc sức như một lời tri ân với những người đã ngã xuống.
Thành lập từ năm 1985, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia của Việt Nam đã lựa chọn và trao giải cho 17 tập thể, 44 cá nhân là nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam. Từ năm 2016, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam quyết định mỗi năm sẽ trao học bổng cho 1 nữ sinh chuyên toán Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội để động viên các em tiếp tục con đường nghiên cứu toán học.
Bình luận (0)