Sản phẩm của giáo dục là con người, nhân tố quyết định cho bất kỳ sự chuyển động nào của mọi mặt đời sống xã hội. Tương lai của một dân tộc, sự hưng thịnh của quốc gia được quyết định bởi lớp trẻ sẽ trưởng thành từ môi trường giáo dục hôm nay. Và lớp trẻ đó được nuôi dưỡng, uốn nắn tri thức, năng lực, nhân cách, tâm hồn bởi chính những người thầy. Vai trò người thầy to lớn nhường ấy, vậy mà đội ngũ nhà giáo hiện nay đang sống như thế nào?
Không tính đến một bộ phận GV dạy môn chính ở các thành phố lớn có thể kiếm thêm tiền triệu từ công việc dạy thêm, phần lớn GV hiện nay sống dựa chủ yếu vào lương. Theo báo cáo mới đây của Bộ GD-ĐT, mức lương trung bình của nhà giáo dao động từ 3-10 triệu đồng tùy theo thâm niên.
Một GV mầm non, tiểu học mới ra trường được hưởng tầm 3,2 triệu đồng. Đó là chưa kể các khoản trừ về BHYT, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và muôn kiểu đóng góp, vận động: tiền đoàn phí, tiền nữ công, tiền ủng hộ hiến máu nhân đạo, quỹ tình nghĩa, quỹ mái ấm Công đoàn… Quả là chật vật, eo hẹp với đồng lương ít ỏi ấy. Người thầy đành phải xoay nghề tay trái. Có người cởi bỏ lớp áo thanh cao của nhà giáo, mạnh mẽ xông xáo kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Có người lại âm thầm, lặng lẽ , thậm chí lén lút làm thêm vì "sợ gặp học trò, lo gặp người quen"!
Một người bạn của tôi là bạn hàng quen mặt của ngân hàng bởi vay liên tục và còng lưng góp suốt bấy lâu nay. Mua xe máy, vay rồi góp. Mua tivi, vay lại góp. Mua máy giặt, vẫn là vay và góp. Gần đây nhất, cô ấy vừa vay 10 triệu đồng để chuẩn bị sinh con. Thế đó, lương nhà giáo đầu tháng ấm ví nhưng cuối tháng đã xoay mượn tiền, làm gì có chuyện tiết kiệm và không dám mơ chuyện dư dả.
Lương thấp, áp lực công việc nhiều, đó là mầm mống nguy hiểm để người giỏi quay lưng với sư phạm, người tài nhảy việc - bỏ nghề, còn đội ngũ giáo viên đang đứng lớp có phần sao nhãng công việc, thui chột nhiệt huyết. Khi đã xác định giáo dục là quốc sách, đầu tư cho giáo dục là đầu tư hiệu quả nhất, vậy thì không có lý do gì phản ứng trước đề xuất tăng lương cho GV.
Người làm nghề giáo quả thật có nhiều hứng khởi với đề xuất này của Bộ GD-ĐT. Vui thì vui đó nhưng lòng người thầy có lẽ cũng thấp thỏm, hoang mang bởi cơ sở thực tiễn và tính khả thi của đề xuất này còn rất mơ hồ. Mỗi năm, câu chuyện bao giờ nhà giáo sống được bằng lương lại nhen nhóm tranh luận rồi cuối cùng cũng "chìm xuồng" giữa cuộc sống xô bồ này. Và vấn đề xếp lương nhà giáo cao nhất ấy cũng đã từng được đặt ra từ hai thập kỷ trước nhưng bao thế hệ nhà giáo vẫn phải bươn bả với mức lương rất cũ…
Bình luận (0)