Chấm thanh tra, tăng đối tượng được tuyển thẳng
Cụ thể, sẽ bổ sung ban chấm thanh tra trực thuộc hội đồng tuyển sinh trường. Ban chấm thanh tra có nhiệm vụ tổ chức chấm thanh tra ít nhất 10% số bài thi của mỗi môn thi tự luận. Thay đổi này ngay tập tức nhận được sự quan tâm của lãnh đạo rất nhiều trường. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội, cho rằng bộ phải quy định thật rõ ràng ai là người được tham gia và quyền hạn của các thành viên. “Nếu để mỗi trường làm một kiểu thì sẽ rất rối” - ông Tuấn nói.
Năm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục giao các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác xét tuyển, có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển nhưng thời gian xét tuyển mỗi đợt ít nhất là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển 20-8-2013. Thời hạn kết thúc xét tuyển là 30-10-2013.
Ưu tiên các ngành nông lâm, thủy sản, y dược...
Về chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay sẽ tăng chỉ tiêu đối với các ngành mà xã hội có nhu cầu cao về nhân lực thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy sản, y dược, nghệ thuật... Chỉ tiêu liên thông chiếm không quá 20% tổng chỉ tiêu của trường, chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai theo hình thức vừa học vừa làm tiếp tục được xác định tối đa bằng khoảng 50% so với chỉ tiêu chính quy.
Năm nay, bộ bổ sung đối tượng dự thi tuyển sinh liên thông, là những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi có nguyện vọng học liên thông lên trình độ CĐ hoặc ĐH. Những TS này phải dự thi các môn văn hóa hoặc năng khiếu theo quy định của khối thi tương ứng với ngành TS đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ - ĐH chính quy.
Không phải “vẽ đường cho hươu chạy” Trước nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại quy định cho HS được mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: “Đây là vấn đề của thực tiễn, không phải sáng kiến của Bộ GD-ĐT”. Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng việc cho phép TS mang các thiết bị này vào phòng thi không phải là “vẽ đường cho hươu chạy” mà là đối diện với thực tiễn đã phát sinh nhưng không được quản lý. “Không cho các em mang vào, nếu TS tiếp tục phát tán thì xử lý như thế nào? Do vậy nên chủ động trước những tình huống này chứ không nên đẩy mình vào thế bị động” - ông Luận nói. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận bên cạnh những giám thị, công an làm tốt, còn không ít giám thị vi phạm. Đó không phải là cá biệt - Bộ trưởng Luận nói. |
Bình luận (0)