Dự thảo sửa đổi quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra lấy ý kiến lần 2 với nhiều thay đổi đáng chú ý.
Tăng bảo mật bài thi, số phách
Theo quy chế hiện hành, thí sinh bị hủy bỏ kết quả thi nếu vi phạm một trong các quy định: Có hai bài thi trở lên bị điểm 0 do phạm một trong các lỗi: Bài thi được chép từ các tài liệu mang trái phép vào phòng thi; có hai bài làm trở lên đối với một bài thi hoặc một môn thi thành phần; bài thi có chữ viết của hai người trở lên; những phần của bài thi viết trên giấy nháp, giấy không đúng quy định; trường hợp thí sinh viết, vẽ vào tờ giấy thi những nội dung không liên quan đến bài thi hay để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài hay dùng bài của người khác để nộp cũng bị hủy bỏ kết quả thi.
Tuy nhiên, theo quy định mới, thí sinh bị đình chỉ thi dự kiến cũng sẽ bị hủy kết quả thi và sẽ không đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT. Bộ GD-ĐT cho hay căn cứ báo cáo bằng văn bản của chủ tịch hội đồng thi, giám đốc sở GD-ĐT sẽ ra quyết định hủy bỏ kết quả thi.
Học sinh lớp 12 tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Nhận xét về quy định mới này, ông Lê Đình Khương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Yên Dũng số 2, tỉnh Bắc Giang - cho rằng quy định này giúp hội đồng thi, hội đồng chấm đỡ phải làm nhiều thủ tục biên bản. "Chế tài này nặng hơn các quy định trong quy chế hiện hành. Điều này bảo đảm tính răn đe và thí sinh sẽ biết sợ" - ông Lê Đình Khương nhận định.
Kỳ thi THPT quốc gia 2020, Bộ GD-ĐT tăng cường bảo mật thông tin bài thi và số phách. Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, phải tuyệt đối giữ bí mật về quan hệ giữa số báo danh và thông tin cá nhân của thí sinh với số phách. Khâu kiểm tra nhập điểm tách rời với các khâu trên và các khâu này đều phải chịu sự giám sát (các cán bộ giám sát thuộc các thành phần khác nhau, vừa giám sát công việc vừa giám sát nhau thực hiện nhiệm vụ). Bà Lương Quỳnh Lan - Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tây, TP Hà Nội - cho rằng đây là quy định rất quan trọng để giữ an toàn cho kỳ thi, bên cạnh đó cần lưu ý thêm khâu vận chuyển bài thi về khu vực chấm.
Hết lớp 9 có thể học CĐ
Bắt đầu từ năm 2020, học sinh tốt nghiệp lớp 9 có quyền đăng ký thẳng hệ đào tạo CĐ thay vì phải học qua trình độ trung cấp. Theo quy định Luật Giáo dục sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020), học sinh tốt nghiệp lớp 9 có thể đăng ký học hệ CĐ chính quy với tổng thời gian học là 4 năm, bao gồm các môn học văn hóa.
Có 2 hình thức đào tạo, học sinh có thể lựa chọn học 4 môn văn hóa và được cấp bằng CĐ, không cấp kèm bằng THPT nhưng được xác nhận hoàn thành chương trình phổ cập nội dung văn hóa. Ở hình thức thứ hai, các học sinh được học văn hóa tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên. Với hình thức học này, các em được tham gia kỳ thi THPT quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Nghiệp - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Châu, huyện Ba Vì, TP Hà Nội - cho biết đây là điểm mới được các phụ huynh và học sinh rất quan tâm. Việc miễn học phí học nghề, đồng thời học sinh được học văn hóa THPT để có cơ hội tiếp tục học lên trình độ cao hơn là quy định rất thiết thực.
Ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ba Vì, TP Hà Nội - cho hay huyện này có trên 4.000 học sinh lớp 9, 3.000 học sinh lớp 12. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học vừa qua, tỉ lệ học sinh thi vào lớp 10 chiếm khoảng 82%, còn lại 18% các em không thi hoặc tham gia học tập tại các trường dân lập, trường nghề… Ông Oanh cho rằng cần xây dựng các nội dung truyền thông, thông tin cụ thể chương trình đào tạo, chế độ ưu đãi về học phí, trợ cấp, cơ sở vật chất, đầu ra việc làm, để phụ huynh và các em học sinh có thể lựa chọn, tham gia môi trường học tập nghề nghiệp phù hợp.
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, cho hay từ năm 2019 trở về trước, nhà trường rất ít thu hút đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS. Từ năm nay, khi luật cho phép, đào tạo nghề và dạy văn hóa, trường xây dựng chiến lược đào tạo, cam kết về chất lượng chương trình học tập văn hóa, trong đó có đào tạo những hạt nhân điển hình.
Miễn phí học nghề
Các học sinh tốt nghiệp lớp 9 đăng ký học hệ CĐ nghề trong 2 năm đầu được miễn học phí học nghề và chỉ phải trả học phí học văn hóa theo quy định chung của địa phương. Mức học phí khoảng 200.000 đồng/tháng, một năm học 10 tháng. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo văn hóa, kinh phí nhà nước không còn cấp bù, nhà trường sẽ thu học phí học nghề là 940.000 đồng/tháng, cam kết không thay đổi học phí trong năm học.
Bình luận (0)