Điểm mới đầu tiên là sự thay đổi về quá trình đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ.
Xét tuyển ĐH trực tuyến
Năm 2021, việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ cùng thời điểm dưới 2 hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thì năm nay, nhằm tạo điều kiện cho thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ, việc đăng ký này diễn ra 1 lần và điều chỉnh nguyện vọng trong khoảng thời gian nhất định.
Học sinh tham dự chương trình tư vấn - hướng nghiệp “Đưa trường học đến thí sinh” do Báo Người Lao Động tổ chức tại tỉnh Bình Thuận năm 2021 .Ảnh: TẤN THẠNH
Năm 2022, việc đăng ký dự thi và xét tuyển sẽ được thực hiện theo một phương thức là trực tuyến trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo lý giải của bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), việc này nhằm thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ trong việc cung cấp dịch vụ công quốc gia. Việc đăng ký trực tuyến đã được thử nghiệm từ những năm trước và thành công trên tất cả địa phương.
Một điểm mới quan trọng nữa là dù các nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo phương thức nào thì đều cùng một hệ thống. Việc sắp xếp nguyện vọng sẽ theo thứ tự ưu tiên - từ nguyện vọng thứ nhất đến nguyện vọng thứ "n", không giới hạn số lượng nguyện vọng mà thí sinh mong muốn đăng ký. Sau đó, hệ thống sẽ lọc ảo chung. Quy định này sẽ giúp thí sinh trúng tuyển nguyện vọng mình mong mỏi nhất và phù hợp với năng lực. Nhờ vậy, giảm thiểu chi phí chung của xã hội, giảm số thí sinh ảo.
Mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu việc bổ sung phương thức, tổ hợp xét tuyển mới phải có căn cứ và lộ trình hợp lý, không làm chỉ tiêu của phương thức, tổ hợp sử dụng năm trước giảm quá 30% chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo.
Theo Bộ GD-ĐT, các trường cần có căn cứ và giải trình với thí sinh, phụ huynh và xã hội về việc tại sao lựa chọn phân bổ chỉ tiêu như vậy. Nếu dự kiến không sử dụng phương thức đó thì phải có lộ trình công bố để thí sinh yên tâm học tập. Việc này sẽ giúp thí sinh ôn tập phù hợp để trúng tuyển ngành/trường yêu thích.
Dự kiến, điểm học tập THPT được cập nhật trên toàn bộ hệ thống. Thí sinh không cần photocopy rồi công chứng hồ sơ, trường THPT không phải xác nhận hồ sơ xét tuyển mà chỉ cần kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ngành. Điều này giúp giảm công sức cũng như thủ tục hành chính. Các trường có phương án xử lý rủi ro xảy ra trong quá trình tuyển sinh và nêu được trong đề án tuyển sinh.
Thay đổi chính sách ưu tiên
Một nội dung được thí sinh quan tâm là Bộ GD-ĐT dự kiến điều chỉnh điểm ưu tiên khu vực (KV). Theo đó, mức điểm cộng ưu tiên giữ nguyên: KV1 là 0,75 điểm, KV2 - nông thôn là 0,5 điểm và KV2 là 0,25 điểm. Tuy nhiên, điểm cộng ưu tiên KV chỉ áp dụng cho năm thí sinh tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ không được tính điểm ưu tiên KV (như KV 3).
Theo quy định mới, điểm ưu tiên cho nhóm đối tượng ưu tiên 1 là 2 điểm, nhóm đối tượng ưu tiên 2 là 1 điểm, áp dụng không phụ thuộc năm thí sinh tốt nghiệp THPT. Thí sinh thuộc nhiều diện đối tượng chính sách theo quy định chỉ được tính một mức điểm ưu tiên cao nhất. Các mức điểm ưu tiên được quy định tương ứng với tổng điểm 3 môn (trong tổ hợp môn xét tuyển) theo thang điểm 10 đối với từng môn thi (không nhân hệ số). Trường hợp phương thức tuyển sinh sử dụng thang điểm khác thì mức điểm ưu tiên được quy đổi tương đương.
Theo Bộ GD-ĐT, căn cứ đề án tuyển sinh đã công bố, các trường tổ chức cho thí sinh thuộc đối tượng được tuyển thẳng đăng ký dự tuyển bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Kết quả được công bố trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Sáng 16-4, mở màn "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2022
Ngày 16-4, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2022 do Báo Người Lao Động phối hợp với Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT, đài phát thanh - truyền hình các địa phương, trường ĐH, CĐ, THPT, các đơn vị đồng hành sẽ chính thức mở màn tại tỉnh Đồng Nai.
Chương trình được Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai truyền hình trực tiếp lúc 8 giờ, với sự tham gia của hơn 650 học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn.
Ban tư vấn chương trình gồm: TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT; TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng nghề nghiệp; TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing; PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM; TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM; ThS Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông và tổ chức sự kiện Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM; PGS-TS-BS Phạm Hiếu Liêm, phụ trách Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; ThS Lê Phan Quốc, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM; TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai và đại diện Trường Cao đẳng Nova (Nova College).
Vào lúc 14 giờ cùng ngày, chương trình Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hướng nghiệp THPT sẽ diễn ra với sự tham gia của 150 giáo viên đến từ các trường THPT tại tỉnh Đồng Nai.
Chương trình được Báo Người Lao Động tường thuật trực tuyến tại nld.com.vn. Mời bạn đọc đón theo dõi.
Bình luận (0)