Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang lấy ý kiến các sở để thống nhất thời điểm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT sao cho phù hợp với tình hình dịch Covid-19 và bảo đảm tiến độ học tập của thí sinh.
Trường tốp dưới sẽ khó tuyển sinh?
Trong khi thi tốt nghiệp THPT về cơ bản vẫn giữ ổn định thì việc xét tuyển ĐH dự kiến sẽ có nhiều thay đổi quan trọng. Trong đó, quy định xây dựng phần mềm lọc ảo chung cho tất cả phương thức xét tuyển, bao gồm cả phương thức xét tuyển riêng của các trường ĐH, thay vì chỉ lọc ảo theo phương thức xét tuyển dựa trên điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT nhận được nhiều quan tâm nhất. Theo quy định này, mỗi thí sinh sẽ chỉ đỗ 1 nguyện vọng ở 1 phương thức, không còn tình trạng 1 thí sinh đỗ vào nhiều trường ở nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như các năm trước.
TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, trao đổi với các học sinh trong chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” 2022 do Báo Người Lao Động tổ chức tại Đồng Nai hôm 16-4 .Ảnh: TẤN THẠNH
Trên thực tế, những năm trước đã tồn tại tình trạng thí sinh ảo, một em đỗ vào nhiều trường ĐH khác nhau do các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành nhưng phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, hoặc tuyển sinh không đúng với số lượng đã công bố. Có trường gọi thí sinh nhập học sớm nhưng không cập nhật dữ liệu lên hệ thống chung, dẫn tới số lượng thí sinh ảo gia tăng. Có trường chưa kiểm soát được điều kiện sơ tuyển, thí sinh không đủ điều kiện vẫn trúng tuyển và phải xử lý các vấn đề nảy sinh sau khi thí sinh nhập học. Một số trường nhập thông tin về điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố.
Theo đánh giá của các chuyên gia tuyển sinh, việc điều chỉnh quy chế này sẽ có tác động không nhỏ tới việc đăng ký nguyện vọng và khả năng trúng tuyển của thí sinh. Bên cạnh đó, việc không được xác nhận nhập học sớm cũng có thể gây khó khăn cho các trường tốp giữa và tốp cuối trong việc tuyển sinh. Thực tế những năm trước cho thấy các trường có thể yên tâm nắm chắc số lượng thí sinh đã trúng tuyển khi các em xác nhận nhập học sớm. Năm nay, với quy định xây dựng phần mềm lọc ảo chung cho tất cả phương thức xét tuyển, các trường sẽ khó khăn hơn trong việc xác định số lượng thí sinh trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển sớm.
Các trường chủ động tiếp nhận, xử lý dữ liệu
Tuy nhiên, với các trường tốp trên và thí sinh, quy định này sẽ tạo ra sự công bằng hơn. PGS-TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhận định việc đăng ký tất cả các nguyện vọng theo mọi phương thức lên cùng một hệ thống sẽ giúp hạn chế tình trạng một thí sinh trúng tuyển nhiều trường, nhiều ngành bằng các phương thức khác nhau. Tuy nhiên, với sự thay đổi này, thí sinh sẽ không có cơ hội trúng tuyển theo nhiều phương thức khác. Vì thế, thí sinh phải cân nhắc thật kỹ về ngành, trường mình yêu thích cũng như năng lực của mình để chọn phương thức có khả năng trúng tuyển cao nhất.
Cũng chung quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đánh giá những năm trước đây, các trường phải đối mặt tình trạng thí sinh ảo là do hệ thống lọc ảo chỉ thực hiện với các em xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, không tính đến những em xét tuyển theo phương thức riêng của các trường. Quy định mới giúp thí sinh năm nay không phải xác nhận nhập học sớm mà có thêm nhiều thời gian hơn để cân nhắc trước khi đưa ra quyết định chọn trường, chọn ngành.
Trước những băn khoăn về việc lọc ảo chung năm nay ảnh hưởng tới quyền tự chủ của các trường trong công tác tuyển sinh, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, khẳng định việc này không ảnh hưởng gì.
Theo bà Thủy, với quy định mới, các trường phải chủ động tiếp nhận và xử lý thông tin dữ liệu của thí sinh khi các em đăng ký xét tuyển theo các phương thức của nhà trường như các năm trước. Khi thấy thí sinh đã trúng tuyển theo các phương thức đó, trường có thể thông báo cho các em biết đủ điều kiện trúng tuyển.
Đối với thí sinh, nếu ngành trúng tuyển là sự lựa chọn của mình thì các em phải điều chỉnh thứ tự nguyện vọng phù hợp để hoàn thành quy trình xét tuyển. Ví dụ, thí sinh A đỗ vào trường B bằng phương thức xét học bạ (đã được nhà trường thông báo trước thời gian Bộ GD-ĐT mở cổng đăng ký xét tuyển) thì khi bộ mở cổng đăng ký, các em cần đăng ký và đặt nguyện vọng đầu tiên vào trường, ngành đã đỗ ở trường B. Như vậy, sẽ tránh tình trạng thí sinh ảo như các năm trước.
Đăng ký dự thi trực tuyến trên Cổng thông tin tuyển sinh
Đề thi tham khảo của kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được đưa lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT để thí sinh ôn tập và chuẩn bị. Khoảng cuối tháng 4-2022, hệ thống sẽ mở để hướng dẫn thí sinh thực hành đăng ký dự thi. Sau đó, hệ thống sẽ xóa hết dữ liệu thí sinh đã đăng ký thử để các em đăng ký chính thức, dự kiến từ khoảng cuối tháng 4 đến ngày 12-5.
Việc xét tốt nghiệp THPT và tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay giữ ổn định như năm trước. Đề thi chủ yếu kiểm tra kiến thức lớp 12. Tuy nhiên, có một số thay đổi nhỏ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022: Tất cả học sinh đang học THPT tại các trường phải đăng ký dự thi trực tuyến trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và Cổng Dịch vụ công quốc gia. Riêng thí sinh tự do vẫn phải đăng ký dự thi trên giấy và gửi tại các điểm tiếp nhận hồ sơ theo quy định của các sở GD-ĐT để nhập dữ liệu lên hệ thống.
Bình luận (0)