Tâm lý các trường khi có giáo viên nước ngoài đến thì tỏ ra rất trân trọng nên quên mất vị thế của người tuyển dụng lao động. Đã vậy, do trường không lựa chọn giáo viên, làm hợp đồng không kỹ, cộng với những khác biệt về văn hóa nên trong thực tế đã xảy ra không ít chuyện dở khóc dở cười.
Năm học 2009-2010, Trường Tiểu học M. (quận 5) thuê giáo viên nước ngoài về dạy tiếng Anh. Hợp đồng được ký với mức thù lao 95 USD/buổi (ba tiết), thời hạn một năm. Chưa hết hai tháng, do hai bên không thống nhất được lịch dạy và nội dung dạy học nên trường phải cho giáo viên nghỉ dạy.
Một giờ học Anh văn với giáo viên nước ngoài ở Trường Tiểu học Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình, TPHCM). Ảnh: Q.Việt
Giải thích về việc này, bà Cao Ngọc Sa, Hiệu trưởng trường, cho biết: “Chúng tôi từng mời giáo viên người nước ngoài nhưng khi Sở GD-ĐT kiểm tra bằng cấp, giấy phép hành nghề (giấy phép giảng dạy) thì họ không có nên trường buộc phải ngưng hợp đồng. Việc này nằm ngoài mong muốn của nhà trường, chúng tôi đã tìm kiếm giáo viên thay thế nhưng vẫn chưa tìm được”.
Thầy “thân thiện”, trò hốt hoảng
Giáo viên bản ngữ dạy học trò không hiểu, nói nhanh và có những cử chỉ như bẹo má, va chạm thân thể khiến các em khó chịu là chuyện thường xuyên xảy ra tại các trường. Cô H., giáo viên tiếng Anh Trường Tiểu học M. (quận 5), kể: Có lần một nữ sinh lớp 5 phát âm sai, thầy giáo nước ngoài cứ ra điệu bộ tập cho em này phát âm đúng nhưng tay thầy cứ quơ quơ chạm vào ngực em khiến em rất ngại khi đứng gần thầy.
Không chỉ học sinh nữ mà học sinh nam cũng gặp tình huống oái oăm. Em Tr., học sinh lớp 8 Trường THCS N. (quận 1) được thầy giáo nước ngoài dạy tiếng Anh (nói tiếng Việt rất sõi) xin số điện thoại và hẹn ở lại trường sau giờ học 15 phút để thầy luyện nghe. Nhưng ngay hôm luyện nghe đầu tiên thầy đã sờ vào chỗ kín của em.
Theo ông Văn Công Sang, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT TPHCM), Sở GD-ĐT không trực tiếp quản lý đội ngũ giáo viên nước ngoài mà chỉ kiểm tra về bằng cấp, giấy phép. Các giáo viên này chỉ chịu trách nhiệm với đơn vị giới thiệu (thường là các trung tâm ngoại ngữ) và các trường tuyển dụng. Vì vậy, chính bản thân các trường phải cẩn thận trong khâu kiểm tra, tuyển dụng.
Cô Trịnh Phương Trinh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1), chia sẻ kinh nghiệm: Khi thuê giáo viên nước ngoài trước hết phải chọn được trung tâm ngoại ngữ uy tín, người dạy phải đảm bảo các yêu cầu về giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, bằng cấp chuyên môn. Đặc biệt, nhà trường cần chú ý nêu rõ những yêu cầu của mình với giáo viên bản ngữ trước khi tuyển dụng. Khi dạy, trường nên bố trí giáo viên nước ngoài đứng lớp với một trợ giảng là giáo viên người Việt để kịp thời điều chỉnh nội dung kiến thức cũng như các phát sinh có thể xảy ra.
Phải hợp đồng chặt chẽ!
Giáo viên nước ngoài làm việc dựa trên hợp đồng và tuân thủ hợp đồng rất chặt chẽ, họ không nặng tình cảm như giáo viên người Việt. Bởi vậy, khi soạn thảo hợp đồng lao động, các trường cần nêu rõ các công việc cụ thể của họ, phải chính xác từ số ngày, số tiết dạy và những thỏa thuận, quy định bắt buộc về phong tục, văn hóa người Việt để hạn chế các sự cố phát sinh. Bà Nguyễn Hồ Thụy Anh
Chuyên viên tiếng Anh Phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM)
Tìm nguồn giáo viên tin cậy, giảm chi phí Trường tôi thuê giáo viên nước ngoài từ nguồn của ĐH Quốc gia TPHCM vì họ có khảo sát, thẩm định trước về chuyên môn, văn hóa. Chi phí thuê giáo viên nước ngoài đắt gấp hàng chục lần giáo viên người Việt. Bởi vậy, chúng tôi đang định tìm giáo viên từ các trường ĐH, viện nghiên cứu vì những nơi này thường có các nghiên cứu sinh nước ngoài. Chọn những người này làm giáo viên thì chi phí sẽ giảm rất nhiều vì chính họ cũng cần mình để tìm hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam. Ông Lê Văn Phiệt, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) |
Bình luận (0)