Định mức biên chế ngành GD-ĐT hiện nay được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên bộ số 27/TT-LB ngày 7-12-1992 của Bộ GD-ĐT và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ).
Trường hạng 3 chỉ được phép có 3 biên chế
Theo thông tư này, các trường thuộc giáo dục phổ thông được chia làm 3 hạng trường (từ hạng 1 đến hạng 3) tùy theo số lượng lớp học ở từng đơn vị. Đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ cho các hoạt động của nhà trường (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, cán bộ đoàn - đội, kế toán, thủ quỹ...) được xác định thông qua hạng trường. Cụ thể là: Biên chế quản lý và nhân viên phục vụ ở các trường tiểu học và THCS được quy định cao nhất là 8 người (trường hạng 1) và thấp nhất là 3 người (trường hạng 3); bậc THPT cao nhất là 7 người (trường hạng 1) và 4 người (trường hạng 3). Ngoài ra, mỗi trường có thêm từ 1 đến 3 bảo vệ theo hình thức hợp đồng ngắn hạn tùy thuộc địa bàn tỉnh, thành phố hay ở nông thôn. Với định mức nêu trên rõ ràng không thể bảo đảm cho các trường hoạt động, nhất là trường được xếp hạng 2 và 3. Với 3 biên chế như quy định đối với trường hạng 3 chỉ có thể bố trí cho các chức danh như: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và 1 cán bộ đoàn - đội. Như vậy, toàn bộ các hoạt động khác như: văn thư, kế toán, thủ quỹ, tạp vụ... sẽ không có biên chế để bố trí thực hiện.
Nhiều công việc phải bố trí người kiêm nhiệm
Bên cạnh đó, các công tác như thiết bị, thư viện, đoàn - đội, thí nghiệm... quy định hiện hành là kiêm nhiệm (trừ trường hạng 1) là không phù hợp, nhất là trong giai đoạn thực hiện cải cách giáo dục, tiến hành thay đổi sách giáo khoa, số lượng thiết bị, đồ dùng dạy học, sách giáo khoa, sách tham khảo đều tăng lên. Việc kiêm nhiệm không thể giải quyết công việc có tính chất hằng ngày này.
Đối với đội ngũ giáo viên, văn bản hiện hành chưa quy định về định mức biên chế đối với giáo viên dạy tin học và ngoại ngữ ở bậc tiểu học. Có thể thấy rằng, khi ban hành các định mức trước đây, việc giảng dạy tin học, ngoại ngữ chưa phát triển như hiện nay. Do vậy, đến khi những bộ môn này được đưa vào giảng dạy ở bậc tiểu học làm cho quy định về định mức giáo viên không còn phù hợp. Tương tự như vậy là biên chế giáo viên ở các trường chuẩn quốc gia. Để đạt chuẩn, ngoài cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đòi hỏi cao hơn so với các trường thông thường khác vì ở đây được trang bị nhiều phòng thực hành giúp học sinh nắm vững kiến thức hơn như: phòng lab, phòng lý - hóa - sinh...
Rốt cuộc, học sinh chịu thiệt thòi
Để bảo đảm cho công tác giảng dạy và duy trì hoạt động của nhà trường, các địa phương đã giải quyết bằng cách cho phép hợp đồng thêm lao động đối với một số chức danh công việc ngoài định mức quy định. Tiền lương chi trả cho người lao động hợp đồng từ ngân sách của địa phương. Việc chi trả lương cho các lao động này bằng nguồn ngân sách địa phương thực chất cũng từ ngân sách Nhà nước - cũng là tiền của nhân dân - nhưng đã tạo ra sự thiếu thống nhất và không đồng bộ trong việc áp dụng trong phạm vi cả nước chỉ vì thiếu một định mức chuẩn phù hợp với sự phát triển của lĩnh vực này. Hơn nữa, ngân sách các địa phương không phải nơi nào cũng như nhau. Những tỉnh kinh tế phát triển, ngân sách mới có thể đáp ứng yêu cầu hợp đồng thêm giáo viên, nhân viên phục vụ cho các trường. Những tỉnh khó khăn thì làm sao ngân sách có thể đáp ứng được, từ đó dẫn đến thiệt thòi cho học sinh những nơi này vì đội ngũ giáo viên, nhân viên phục vụ không đủ để đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Để phù hợp với thực tế phát triển của xã hội, Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ sớm đề xuất và trình Chính phủ điều chỉnh định mức biên chế đối với một số bậc học cho phù hợp. Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết hiện nay mà còn là trách nhiệm của hai bộ đối với sự nghiệp GD-ĐT.
Bình luận (0)