Dưới đây là 2 câu chuyện không thể quên về những người thầy đã dạy tôi ở Trường Phổ thông cấp II-III Ngô Quyền (Hải Phòng) cách nay trên dưới nửa thế kỷ.
Chủ nhiệm lớp 5A của tôi (năm học 1958-1959) là thầy giáo rất trẻ Trần Quang Khiết dạy môn sinh vật. Vào giờ ra chơi, bị cậu bạn tên Khánh trêu chọc, tôi tức quá chạy đến đấm ngay vào ô cửa kính, không ngờ kính bị vỡ. Vào giờ học, thầy chủ nhiệm nghiêm nghị hỏi: “Ai làm vỡ kính?”. Tôi im lặng đứng dậy cúi đầu nhận lỗi. Thầy hỏi tiếp: “Tại sao?”, tôi kể lại chính xác sự việc. Thầy hỏi Khánh: “Bạn Quốc nói có đúng không?”. Khánh đứng dậy xác nhận: “Dạ, đúng!”. Thầy liền phân xử: “Khánh trêu bạn là sai, lần sau không được làm thế nữa. Quốc làm vỡ kính của trường thì phải bồi thường và không được tái phạm những hành động vô ý thức như vậy”.
Cuối buổi học, thầy viết một bức thư cho tôi mang về gửi ba. Khi ấy, thầy biết rõ ba tôi nguyên là hiệu trưởng của trường mình, đang là phó giám đốc sở giáo dục, tức là thượng cấp đầy quyền uy đối với thầy. Nhưng trong thư, thầy chỉ ghi “Kính gửi ông L.V.N. phụ huynh học sinh Lê Vinh Quốc”, rồi kể lại sự việc và nêu rõ đề nghị của thầy đối với phụ huynh. Đọc thư xong, ba bảo tôi: “Con phải nhớ rằng hành động thiếu suy nghĩ bao giờ cũng gây ra những hậu quả không tốt!”; rồi ông lập tức viết thư xin lỗi thầy và nhà trường, hứa sẽ giáo dục con và bồi thường đầy đủ cho trường. Hôm sau, khi tôi vừa trao bức thư của ba gửi thầy thì có một người thợ đến lớp lắp một tấm kính mới thay cho tấm bị vỡ (dĩ nhiên tiền công và tiền kính do ba tôi trả).
Sự việc tuy nhỏ nhưng qua đó, tôi đã nhận được một bài học nhớ đời nhờ cách giáo dục nghiêm khắc mà có lý có tình của thầy. Nhưng đáng quý hơn nữa là tôi đã nhận biết được nhân cách cao thượng của một nhà giáo. Để thực hiện đúng thiên chức giáo dục của mình, thầy chủ nhiệm Trần Quang Khiết không ngại đụng chạm với thượng cấp đang lãnh đạo chính mình.
Lên học lớp 10D (năm học 1963-1964), tôi lại có một kỷ niệm sâu sắc với thầy Phan Tích Lương giảng dạy Việt văn. Vốn có năng khiếu về môn này nên ở các lớp dưới, tôi luôn được điểm 4, thỉnh thoảng cũng được 5 (hồi ấy nhà trường chấm bài theo thang điểm 5 bậc). Nhưng với bài luận đầu tiên ở lớp 10 do thầy Lương dạy, tôi chỉ nhận được điểm 3 cùng lời phê: “Hành văn trôi chảy, câu cú gọn gàng nhưng luận cứ, luận điểm không rõ ràng”. Thất vọng về kết quả bất ngờ đó, tôi mang bài lên hỏi thầy về ý nghĩa của lời phê. Thầy bảo rằng phải phân tích đề cho thật kỹ để tìm ra các luận điểm chứng minh cho đề, rồi tìm tiếp những luận cứ chứng minh cho từng luận điểm.
Đến bài luận sau, tôi lập dàn ý kỹ hơn rồi mới viết theo từng luận điểm nhưng kết quả vẫn là 3. Tôi buồn bực lại mang bài lên hỏi. Thầy bảo tuy đã có một vài luận điểm nhưng trình bày chưa rõ ràng và thiếu những luận cứ minh họa. Nửa tin nửa ngờ, cảm thấy hình như thầy đã chấm bài theo định kiến về mình, tôi bắt đầu mất thiện cảm với thầy.
Đến bài luận thứ ba, tôi nghĩ thật kỹ đề bài, lập dàn ý thật chi tiết với đủ luận cứ, luận điểm. Cẩn thận hơn, trong bài viết tôi lấy thước gạch dưới từng luận điểm và gạch đầu dòng mỗi luận cứ (với thâm ý là để thầy nhìn cho thật rõ!). Quả nhiên bài này được điểm 4, được thầy khen và còn lấy làm thí dụ để chữa bài cho cả lớp. Lúc ấy, tôi mới biết thầy nghiêm khắc nhưng vẫn vui, mà không hề có định kiến hay ghét bỏ gì mình.
Sau này, khi đã tốt nghiệp ĐH sư phạm để theo chân thầy trở thành nhà giáo, tôi đã nhận ra rằng: Dường như mỗi công trình khoa học mà tôi hoàn thành trong suốt sự nghiệp của mình, kể cả luận án tiến sĩ, đều ít nhiều mang dấu ấn từ sự chỉ dẫn của thầy qua những bài văn nghị luận ngày ấy. Vì vậy, tôi suốt đời mang ơn thầy Phan Tích Lương.
Những kỷ niệm của tôi về các thầy cũ không có gì to tát nhưng qua đó đủ thấy các thầy thật đáng kính phục. Có trình độ chuyên môn nghiệp vụ rất vững cùng với nhân cách cao thượng, các thầy tận tâm dạy bảo học sinh hết sức kỹ lưỡng, đánh giá thành quả học tập của học trò một cách chính xác, công bằng mà bất chấp mọi áp lực từ tiền bạc, quyền thế hay các động cơ cá nhân nào khác. Đó chính là những nhà giáo bình thường nhưng vĩ đại.
Bình luận (0)